Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

BA KÍCH TÍM

1. Tên khoa học

Morinda officinalis F.C.How [3]

2. Tên khác

Nhàu thuốc, (dây) Ruột gà, Ba kích thiên [1]

3. Họ thực vật

Họ Cà phê - Rubiaceae [1]

4. Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, hình trụ, mập và vặn vSẹo. Thân non màu tím, có lông, sau nhẵn. Cành non có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục. Cuống ngắn, lúc non có lông dày ở mặt dưới. Cụm hoa mọc thành tán ở đầu cành; hoa nhỏ, màu trắng sau hơi vàng. Quả hình cầu, khi chín có màu đỏ [2].

5. Phân bố, sinh thái

Lào cai, Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Hoà Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An [1]

6. Bộ phận dùng

Rễ [1]

7. Công dụng

Chữa liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, làm thuốc bổ dương, mạnh gân cốt, trừ phong tê thấp, bổ não [1]

8. Thu hái

Mùa đông khi trời nắng ráo [2]

9. Chế biến

Phơi hoặc sấy khô [2]

10. Thành phần hóa học

10.1. Iridoid glycoside

Iridoid glycoside là một trong những thành phần hoạt chất chính của Ba kích tím. Bảy glycosid thuộc khung iridane đã được phân lập từ cao chiết ethanol của rễ và lá Ba kích tím bao gồm monotropein, asperuloside tetraacetate, asperuloside, asperulosidic acid, deacetyl asperulosidic acid, morofficinaloside và morindolide. Trong đó, monotropein có hàm lượng 0,042%, cao nhất trong Ba kích tím [4, 5].

Iridoid glycoside

10.2. Anthraquinone

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 28 hợp chất anthraquinone đã được phân lập từ rễ Ba kích tím. Tất cả các dẫn xuất anthraquinone đều có một hoặc nhiều nhóm thế hydroxyl hoặc methoxy trên khung [4, 6].

10.2.	Anthraquinone

 

R1

R2

R3

R4

R5

R6

R7

R8

Physcion

H

OCH3

H

H

H

H

H

H

Rubiadin-1-methyl ether

OCH3

CH3

OCH3

H

H

H

H

H

Rubiadin

OH

CH3

OH

H

H

H

H

H

2-Hydroxy-3-hydroxymethyl-

anthraquinone

H

CH2OH

H

H

H

H

H

H

1-Hydroxy-anthraquinone

OH

H

H

H

H

H

H

H

10.3. Polysaccharide, mono- và oligosaccharide

Bốn polysaccharide đồng nhất phân lập từ rễ Ba kích tím bao gồm MOHP-I, MOHP-II, MOHP-III và MOHP-IV. Trong đó, MOHP-I chủ yếu gồm glucose và fructose có phân tử lượng khoảng 2000D. MOHP-III là một loại glycoprotein gồm arabinose, xylose, glucose, fructose và galactose có phân tử lượng 35000D [7].

Ba polysaccharide khác phân lập từ rễ Ba kích tím bao gồm MP-1, MP-2 và MP-3. Trong đó, MP-1 là một loại fructan dạng inulin có trọng lượng phân tử khoảng 2165D. MP-2 và MP-3 đều là các polysaccharide có tính acid với thành phần gồm galacturonic acid, arabinose và galactose, có phân tử lượng lần lượt là 19494D và 27705D [8].

Ngoài ra, từ rễ Ba kích tím còn phân lập được MOPI-3, một loại polysaccharide gồm arabinose, galactose và glucose có phân tử lượng trung bình khoảng 35309D [7].

Nhiều loại oligosaccharide đã được phân lập từ rễ Ba kích tím, bao gồm bajijiasu, mannose, nystose, 1F-fructofuranosyl nystose, hexasaccharide dạng inulin, heptasaccharide dạng inulin, sucrose, trisaecharide dạng inulin, inulotriose, inulotetraose, inulopentaose [4].

oligosaccharide

10.4. Acid hữu cơ

Tính đến thời điểm hiện tại, người ta đã phân lập được fumaric acid, succinic acid và 3β,19α-dihydroxyl-12-en-28-oic acid từ rễ Ba kích tím [9-11].

Acid hữu cơ

10.5. Tinh dầu

Nhiều hợp chất tinh dầu đã được xác định từ rễ Ba kích tím thông qua phương pháp chưng cất hơi nước. Thành phần chính trong các tinh dầu này bao gồm n- hexadecanoic acid, 3-methyl-benzaldehyde, (Z, Z)-9,12-octadecadienoic acid, oleic acid, borneol, bicyclo[4.2.0]octa-1,3,5-trien-7-O, 2-methyl-9, 10-anthracenedione, pentadecanoic acid, benzaldehyde [12].

Tinh dầu11. Tác dụng dược lý

11.1. Tác dụng chống trầm cảm

Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với viên nang fluoxetine hydrochloride và giả dược ở bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, sử dụng viên nang oligosaccharide Ba kích tím đường uống với liều 0,3 – 0,6 g hai lần mỗi ngày giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Tỷ lệ đáp ứng điều trị ở bệnh nhân sử dụng viên nang oligosaccharide Ba kích tím là 72,93%, cao hơn so với nhóm dùng viên nang fluoxetine hydrochloride có tỷ lệ đáp ứng là 59,83%. Bên cạnh đó, thử nghiệm cũng ghi nhận tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ khi được điều trị bằng Ba kích tím là 17,49%, thấp hơn so với tỷ lệ 22,76% ở nhóm điều trị bằng fluoxetine hydrochloride [13].

11.2. Tác dụng chống loãng xương

Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột loãng xương do cắt bỏ buồng trứng, sử dụng monotropein từ Ba kích tím ở liều 40 – 80 mg/kg/ngày liên tục trong bốn tuần có khả năng làm tăng hàm lượng khoáng chất trong xương, mật độ khoáng xương, thể tích xương và giảm nồng độ interleukin-1β, interleukin-6, sRANKL trong huyết thanh. Ngoài ra, các thông số cơ sinh học của xương đùi cũng có sự cải thiện rõ rệt sau bốn tuần điều trị bằng monotropein [14].

11.3. Tác dụng bổ thận dương

Một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột bị tổn thương mô tinh hoàn do dùng hydroxyurea ghi nhận tác dụng phòng ngừa và điều trị rối loạn chức năng sinh sản của chuột đực. Sử dụng bajijiasu từ cao chiết nước Ba kích tím ở liều 80, 160 và 320 mg/kg ghi nhận tỷ lệ giao phối thành công lần lượt là 80%, 90% và 60%, cao hơn nhóm dùng nước cất có tỷ lệ 60% [15].

11.4.  Tác dụng chống bức xạ

Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột đực bị suy giảm trục tinh hoàn – tuyến yên – vùng dưới đồi do tác động của vi sóng, sử dụng phân đoạn nước hoặc phân đoạn ethyl acetat từ cao chiết nước Ba kích tím ở liều 40 g/kg đường uống ghi nhận tần suất bắt cặp và giao phối với chuột cái là 38,0000 ± 4,0497 lần, cao hơn nhóm chứng có tần suất 32,6667 ± 4,1793 lần [16].

Ngoài ra, phân đoạn nước từ cao chiết nước Ba kích tím ở liều tương tự làm giảm nồng độ GnRH trong huyết thanh còn 1,4987 ± 0,0739 ng/L, nhiều hơn so với mức giảm còn 1,5903 ± 0,0626 ng/L ở nhóm chứng. Bên cạnh đó, nồng độ LH trong huyết thanh cũng được ghi nhận giảm còn 2,8118 ± 1,0280 ng/L, nhiều hơn so với mức giảm còn 4,5915 ± 0,5609 ng/L ở nhóm chứng [17].

11.5. Tác dụng cải thiện trí nhớ

Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột suy giảm trí nhớ và khả năng học tập do ᴅ-galactose, sử dụng cao chiết nước Ba kích tím ở liều 11,25 – 45 g/kg đường uống có khả năng cải thiện đáng kể khả năng học tập và trí nhớ của chuột trong thử nghiệm mê cung nước, giảm hoạt động của aldose reductase và tổn thương tế bào não [17].

11.6. Tác dụng chống viêm khớp dạng thấp

Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột viêm khớp do thuốc bổ trợ, sử dụng cao chiết N-butanol của Ba kích tím với liều 1,1 g/kg đường uống có khả năng làm giảm sưng ở chân, đồng thời giảm nồng độ IFN-γ, IL-lβ, IL-6 và INF-α trong huyết thanh [18].

11.7. Tác dụng giảm mệt mỏi và chống lão hóa

Trong một thử nghiệm in vivo trên chuột, sử dụng polysaccharide chiết từ Ba kích tím với liều 50, 100 và 200 mg/kg đường uống ghi nhận thời gian bơi khi bị gắn khối chì có trọng lượng bằng 5% trọng lượng cơ thể lần lượt là 8,13 ± 0,53; 9,01 ± 0,59 và 12,7 ± 1,55 phút, dài hơn thời gian bơi ghi nhận được ở nhóm không điều trị là 6,42 ± 0,54 phút [19].

Bên cạnh đó, polysaccharide từ Ba kích tím ở liều 50, 100 và 200 mg/kg còn làm tăng glycogen ở gan với hàm lượng lần lượt là 1295,84 ± 107,29; 1786,53 ± 180,00 và 1973,05 ± 219,78 mg/100 g, cao hơn nhóm chứng với hàm lượng 904,65 ± 138,27 mg/100 g [19].

Ngoài ra, polysaccharide từ Ba kích tím có khả năng làm giảm nồng độ urea nitrogen và acid lactic trong máu tốt nhất ở liều 200 mg/kg với mức giảm urea nitrogen còn 8,04 ± 0,25 mg/100 mL, nhiều hơn nhóm chứng có nồng độ 9,37 ± 0,35 mg/100 mL; mức giảm acid lactic còn 14,16 ± 1,19, nhiều hơn nhóm chứng có nồng độ 23,53 ±1,33 mg/100 mL [19].

12. Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang

[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 101-106.

[3] The World Flora Online, https://www.worldfloraonline.org/taxon/wfo-0000246041, ngày truy cập: 02/01/2024.

[4] Journal of Ethnopharmacology (2018), 213: 230-255. DOI: 1016/j.jep.2017.10.028

[5] Chemical and Pharmaceutical Bulletin (1995), 43: 1462-1465. DOI: 1248/cpb.43.1462

[6] Molecules (2009), 14(1): 573-583. DOI: 3390/molecules14010573

[7] Chemical Journal of Chinese Universities-Chinese (2009), 30(12): 2391-2395

[8] International Journal of Biological Macromolecules (2009), 44(3): 257-261. DOI: 1016/j.ijbiomac.2008.12.010

[9] Chinese Journal of Natural Medicines (2010), 8: 192-195. DOI: 3724/SP.J.1009.2010.00192

[10] China Journal of Chinese Materia Medica (1995), 20(1): 36-39

[11] Yunnan Journal of Traditional Chinese Medicine and Materia Medica (2009), 15:63-64.

[12] Natural Product Research (2009), 30: 17-20

[13] The Journal of Clinical Pharmacology (2011), 27(3): 170-173

[14] Fitoterapia (2016), 110: 166-172. DOI: 1016/j.fitote.2016.03.013

[15] Journal of Ethnopharmacology (2015), 164: 283-292. DOI: 1016/j.jep.2015.02.016

[16] Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine (2015). DOI: 1155/2015/360730

[17] Journal of Guangzhou Medical University (2015), 43: 23-26

[18] Journal of Chinese Medicinal Materials (2015), 38(8): 1626-1629. PMID: 26983232

[19] International Journal of Biological Macromolecules (2009), 44: 257-261. DOI: 1016/j.ijbiomac.2008.12.010