Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

BÌNH VÔI

1. Tên khoa học

Stephania rotunda Lour. [1]

Tên đồng nghĩa: Cissampelos glabra Roxb, Stephania glabra (Roxb.) Miers. [1]

2. Tên khác

Ngải tượng, Củ một, Dây mối tròn [1]

3. Họ thực vật

Họ Tiết dê - Menispeaceae [1]

4. Đặc điểm thực vật

Dây leo, thường xanh, sống lâu năm. Thân nhẵn, hơi xoắn vặn. Rễ củ to, vỏ xù xì, màu nâu đen. Lá so le, cuống dài, phiến lá mỏng, gân hình tròn hoặc tam giác tròn. Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt, màu đỏ khi chín [2].

5. Phân bố, sinh thái

Gặp ở nhiều nơi từ Bắc (Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn) vào Nam (Côn Đảo) [1]

6. Bộ phận dùng

Rễ củ [1]

7. Công dụng

Chữa sốt, nhức đầu, lỵ, hen suyễn, lở ngứa ngoài da, mụn nhọt, làm thuốc an thần [1]

8. Thu hái

Tháng 11 - 12 [2]

9. Chế biến

Phơi hoặc sấy khô [2]

10. Thành phần hóa học

Alkaloid là thành phần chính được phân lập từ Bình vôi. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 40 alkaloid được phân lập từ loài cây này [3].

Trong số đó, cepharanthin, xylopinin và l-tetrahydropalmatine (THP) là những alkaloid chính có hàm lượng lần lượt là [0,01 - 1,90 %], [0,10 - 0,52 %] và [0,12 - 0,80%], tùy theo các bộ phận của cây và thời điểm thu hoạch [4].

Alkaloid

11. Tác dụng dược lý

11.1. Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương

    • Tác dụng bảo vệ thần kinh

L-stepholidine – một alkaloid phân lập từ Bình vôi được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng ở liều 225 mg/ngày để điều trị cho những bệnh nhân mắc chứng rối loạn vận động. Phản ứng tích cực đã được quan sát thấy ở 72% (29/40) bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, 79% (34/43) bệnh nhân mắc hội chứng Tourette và 65% (15/23) bệnh nhân mắc chứng rối loạn vận động muộn và không quan sát thấy tác dụng phụ của thuốc [5].

    • Các tác dụng trên thần kinh trung ương khác

Trong y học cổ truyền Việt Nam, củ Bình vôi được dùng làm thuốc trị chứng mất ngủ dưới dạng thuốc sắc hoặc cồn thuốc ở liều 3 – 6 g nguyên liệu khô [6]. l-THP có tác dụng giảm lo âu ở chuột khi được tiêm trong màng bụng với liều 25 mg/kg [7].

11.2. Tác dụng chống ký sinh trùng

Một thử nghiệm in vivo trên chuột ghi nhận cao chiết dichloromethane và cao chiết nước Bình vôi ở liều 150 mg/kg có tác dụng làm giảm tỷ lệ ký sinh trùng Plasmodium berghei trong máu với mức giảm lần lượt là 89 và 74% khi tiêm phúc mạc; giảm 62,5 và 46,5% khi dùng đường uống. Cepharanthine – một alkaloid được phân lập từ Bình vôi ở liều 10 mg/kg có khả năng làm giảm tỷ lệ ký sinh trùng Plasmodium berghei trong máu với mức giảm 47% khi tiêm phúc mạc và 50% khi dùng đường uống [8].

11.3. Tác dụng chống viêm khớp

Một thử nghiệm in vivo trên thỏ ghi nhận tác dụng của sinomenine – alkaloid được phân lập từ Bình vôi trong điều trị viêm khớp. Dung dịch sinomenine hydrochloride liều 0,2 mL đường tiêm mỗi tuần một lần trong bốn tuần liên tiếp ghi nhận tác dụng làm giảm các triệu chứng đau, sưng tấy trên mô hình thỏ bị viêm xương khớp [9].

11.4. Tác dụng hạ huyết áp

Một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột tăng huyết áp tự phát dễ bị đột quỵ ghi nhận tác dụng hạ huyết áp của fangchinoline – alkaloid được phân lập từ Bình vôi. Fangchinoline tiêm tĩnh mạch với liều 3 mg/kg làm giảm huyết áp trung bình với mức giảm tối đa là 165 ± 13 mmHg (p < 0.05) [10].

12. Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang

[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 210-215.

[3] Journal of Ethnopharmacology (2010), 132: 369-383. DOI: 1016/j.jep.2010.08.047

[4] Natural Product Communications (2010), 5:  877-882. DOI: 1177/1934578X1000500611

[5] Chinese journal of neurology and psychiatry (1989), 22: 355-337. PMID: 2700694

[6] World Health Organization (1990), Available at Medicinal plants in Viet Nam (who.int)

[7] American Association of Nurse Anesthesiology Journal (2011), 79: 75-80

[8] Journal of Ethnopharmacol (2007), 112: 132-137. DOI: 1016/j.jep.2007.02.005

[9] Chinese Medical Journal (2012), 125: 2543-2547. DOI: 3760/cma.j.issn.0366- 6999.2012.14.027

[10] Journal of   Ethnopharmacol   (1997),   58:    117-   DOI:    10.1016/S0378-8741(97)00092-5