Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)
Giỏ hàng
1. Tên khoa học
Gardenia augusta (L.) Merr. [1]
Tên đồng nghĩa: Vameria augusta L., Gardenia jasminoides J. Ellis, G. florida L. [1]
2. Tên khác
Chi tử, Dành tàu [1]
3. Họ thực vật
Họ Cà phê - Rubiaceae [1]
4. Đặc điểm thực vật
Cây cỏ, xanh tốt quanh năm, phân nhánh nhiều. Cành màu nâu, nhẵn, có khía rãnh dọc. Lá mọc đối hay mọc vòng 3, dày, hình thuôn - trái xoan, gốc thót lại, dần tù hoặc hơi nhọn, mặt trên màu lục sẫm đến nâu đen, nhẵn bóng, mặt dưới rất nhạt và có gân nổi rõ. Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng hoặc trắng ngà, rất thơm. Quả hình trứng, khi chín màu vàng, thịt quả màu vàng cam, hạt dẹt, nhiều [2].
5. Phân bố, sinh thái
Bắc Giang, Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Nội (Ba Vì), Thừa Thiên Huế [1]
6. Bộ phận dùng
Hạt, vỏ thân, hoa [1]
7. Công dụng
Chữa sốt vàng da, bệnh về gan, đau mắt đỏ, đau răng, loét miệng, tiểu tiện khó khăn, đái ra máu, chảy máu cam, thổ huyết, sốt rét, bệnh lỵ, đau mắt, đau tử cung [1]
8. Thu hái
Tháng 8 – 10 [2]
9. Chế biến
Quả chín già ngắt bỏ cuống, phơi hay sấy nhẹ đến khô [2]
10. Thành phần hóa học
10.1. Iridoid glycoside
Iridoid glycoside là một trong các nhóm hoạt chất chính có trong cây Dành dành. Cho đến nay đã có 48 hợp chất iridoid glycoside đã được phân lập từ cây Dành dành với các hoạt chất chính là geniposide (3,91 – 4,11%), genipin-1-β-gentiobioside (0,60 – 2,29%), gardenoside (0,20 – 0,71%) và geniposidic acid (0,27 – 0,49%) [3, 4].
10.2. Sắc tố vàng Gardenia
Sắc tố vàng Gardenia là nhóm hoạt chất chính và quan trọng có trong quả Dành dành. Cho đến nay, đã có 16 sắc tố vàng Gardenia được phân lập như là crocin 1-4 (5,48 – 188,89 μg/g) và neocrocin A-J (2,0 – 400,9 mg). Các sắc tố vàng có thể kể đến như là crocin 1 (188,89 ± 1,20 μg/g) và crocin 2 (106,32 ± 0,84 μg/g); và các sắc tố vàng mới như là neocrocin B, neocrocin F và neocrocin G [5, 6].
11. Tác dụng dược lý
11.1. Tác dụng bảo vệ gan
Trong mô hình in vivo, sử dụng kết hợp cao chiết Đại hoàng và Dành dành với liều 2 g/kg, 5 lần mỗi 12 giờ cho thấy tác dụng bảo vệ gan vượt trội so với dùng đơn độc cao chiết Dành dành trên mô hình chuột bị ứ mật do α-naphthylisothiocyanate biểu hiện qua các chỉ số bilirubin toàn phần, ALT và AST với các giá trị lần lượt là 43,20 ± 4,83 μmol/L so với 72,32 ± 14,72 μmol/L; 310,58 ± 84,16 U/L so với 432,177 ± 81,81 U/L và 357,33 ± 88,83 so với 501,50 ± 61,81 U/L [7].
Trong mô hình in vivo, genipin có trong cao chiết Dành dành với liều 25, 50, 100 và 200 mg/kg tiêm phúc mạc 1 giờ trước khi gây apoptosis và suy gan do tiêm GalN/LPS cho thấy tác dụng tăng tỷ lệ sống sót (60%, 66%, 100% và 100%) [8].
11.2. Tác dụng trên hệ thần kinh
Trong mô hình in vivo, sử dụng cao chiết nước Dành dành với các liều 150 mg/kg, 100 mg/kg và 50 mg/kg trong 30 ngày trên mô hình chuột thiếu máu não mạn tính. Dựa vào độ trễ thoát hiểm, sử dụng cao chiết Dành dành với liều 100 mg/kg có độ trễ thấp nhất (31,41 ± 18,00 s), nhanh hơn liều 50 mg/kg (45,40 ± 46,72 s) và liều 150 mg/kg (36,52 ± 35,52 s) so với nhóm chứng (61l41 ± 15,98 s) [9].
11.3. Tác dụng chống viêm
Trong mô hình in vivo, cao chiết ethanol Dành dành ở liều 50, 100, 200 và 400 mg/kg trong mô hình phù chân và phù túi khí chuột do tác nhân carrageenan cho thấy tác dụng ức chế phù chân cấp tính (10,2, 25,9, 28,6 và 35,8%). Trong xét nghiệm tính thấm mạch máu, cao chiết Dành dành ở liều 50, 100 và 200 mg/kg ức chế sự hình thành thâm nhiễm viêm lần lượt là 12,5, 17,6 và 52,5% so với nhóm chứng (58,5%). Trong thử nghiệm tính thấm thành mạch gây ra bởi acetic acid, các liều 50, 100 và 200 mg/kg đã ức chế chuyển động quằn quại của chuột lần lượt là 35,1, 59,7 và 80,1% [10].
11.4. Tác dụng chống trầm cảm
Trong mô hình in vivo, sắc tố vàng Gardenia có trong Dành dành với liều 200 mg/kg để làm thử nghiệm treo đuôi và thử nghiệm hành vi tuyệt vọng cho thấy làm giảm đáng kể thời gian bất động (50 và 67,1 s) so với nhóm chứng (105,7 và 108,6 s). Bên cạnh đó, sắc tố vàng Gardenia làm đáng kể số lần trốn thoát thất bại (p < 0,05) và làm giảm độ trễ thoát hiểm (p= 0,005) [11].
Trong mô hình chuột bị trầm cảm do căng thẳng mãn tính trong 3 tuần liên tiếp, sử dụng geniposide có trong Dành dành liên tiếp trong 14 ngày (25, 50, 100 mg/kg) làm thay đổi số lần giao phối, nuôi dưỡng nhưng không thay đổi số lần chải chuốt trong thử nghiệm môi trường mở. Trong thử nghiệm hành vi tuyệt vọng, geniposide (25, 50, 100 mg/kg) làm giảm thời gian bất động [F(5,54)=10,363, p<0,001] và geniposide (100 mg/kg làm tăng thời gian bơi lội [F(5,54)=5,683, p<0,001] [12].
12. Tài liệu tham khảo
[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 279.
[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 596-600.
[3] Journal of Ethnopharmacology (2020). 257: DOI: 10.1016/j.jep.2020.112829
[4] Journal of Chromatography A (1988). 455: 410-414. DOI: 1016/S0021- 9673(01)82148-8
[5] Food and Function (2015), 6(7): 2194-2204. DOI: 1039/c5fo00205b
[6] Journal of Agricultural and Food Chemistry (2017), 65(14): 2936-2946. DOI: 1021/acs.jafc.6b03866
[7] Journal of Ethnopharmacology (2015), 175: 67-74. DOI: 1016/j.jep.2015.09.012
[8] European Journal of Pharmacology (2010), 635(1-3): 188-193. DOI: 1016/j.ejphar.2010.03.007
[9] Journal of Ethnopharmacology (2017), 196: 225-235. DOI: 1016/j.jep.2016.11.042
[10] Journal of Ethnopharmacology (2006), 103(3): 496-500. DOI: 1016/j.jep.2005.08.011
[11] ACS Chemical Neuroscience (2016), 7(8): 1068-1076. DOI: 1021/acschemneuro.6b00011
[12] European Neuropsychopharmacology (2015), 25(8): 1332-1341. DOI: 1016/j.euroneuro.2015.04.009