Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

GIẢO CỔ LAM

1. Tên khoa học

Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino

Tên đồng nghĩa: Vitis pentaphylla Thumb., Gynostemma pedata Blume, G. pedata var. pubescens Gagnep.[1]

2. Tên khác

Dần toòng, Dền toòng, Thư tràng năm lá, Cổ yếm, Nhân sâm phương nam [1]

3. Họ thực vật

Họ Bầu bí - Cucurbitaceae [1]

4. Đặc điểm thực vật

         Cây thảo mọc leo, sống hằng năm. Thân mảnh, hơi có rãnh, nhẵn. Tua cuốn chẻ đôi ở đầu. Lá kép mọc so le, gồm 3-7 lá chét hình bầu dục-thuôn hoặc mũi mác, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông, ít khi nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt. Hoa đơn tính khác gốc, mọc ở kẽ lá và đầu ngọn thành chùy buông chõng; hoa nhỏ, hình sao, bao hoa rất ngắn, to hơn hoa cái. Quả mọng, nạc, hình cầu, khi chín màu đen [2].

5. Phân bố sinh thái

         Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai [1]

6. Bộ phận dùng

Cả cây [1].

7. Công dụng

Chữa mỡ máu, hạ Cholesterol, mụn nhọt, lở ngứa, tiêu viêm, giải độc gan, giảm ho [1].

8. Thu hái

Mùa hạ [3].

9. Chế biến

Phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sao vàng [3].

10. Thành phần hóa học

         Giảo cổ lam có thành phần hóa học chính là các saponin, với hơn 200 saponin đã được phân lập và báo cáo. Các saponin được phân lập từ Giảo cổ lam được đặt tên là gypenoside hoặc gynosaponin. Các saponin đầu tiên được phân lập và đặt tên là gypenoside I-LXXIX. Sự đa dạng về cấu trúc của các saponin dựa trên sự đa dạng về nhóm aglycone (sapogenin) và glycone (chuỗi đường) [4].

         Có bốn saponin được tìm thấy với hàm lượng cao nhất khi được phân lập ở nhiệt độ 130oC trong 3 giờ là: gypenoside L (6130 ± 37,7 μg.g-1), gypenoside LI (2463 ± 22,3 μg.g-1); damulin A (11902 ± 96,3 μg.g-1), và damulin B (5877 ± 29,6 μg.g-1) [4].

         Tổng hàm lượng saponin của cây được lấy từ các nguồn khác nhau thì thay đổi trong khoảng 17,60-193,37 mg/g phụ thuộc vào khí hậu địa phương, giống cây trồng, thời gian thu hoạch, điều kiện bảo quản, chất lượng đất trồng và vị trí trồng [4].

saponin

  R1 R2 R3 R4 R5 R6 R7
Gypenoside L glc(2→1)glc OH CH3 OH OH CH3 H
Gypenoside LI glc(2→1)glc OH CH3 OH CH3 OH H

Gypensaponin

11. Tác dụng dược lý

11.1. Tác dụng chống ung thư

          Một nghiên cứu in vivo, đã chỉ ra sử dụng gypenoside qua đường uống (2mg/kg) có thể làm tăng tỷ lệ sống sót của những con chuột đã được tiêm tế bào WEHI-3 [5]. Trong mô hình chuột xenograph, sử dụng gypenoside ở liều 20 mg/kg trong 28 ngày cũng làm giảm 34% kích thức khối u ung thư miệng (SAS) so với nhóm đối chứng sử dụng doxorubicin (giảm 49%) [6]. Tiêm phúc mạc gypenoside ở liều 5 và 20 mg/kg lên các khối u HL-60 đã làm tăng sự giảm kích thước 56% so với nhóm đối chứng [7]. Gypenoside cũng được phát hiện là làm giảm số lượng polyp đường ruột ở chuột ApcMin/+ ở hai liều 500 và 750 mg/kg. Nghiên cứu này cũng cho thấy tác dụng hiệp đồng chống ung thư của gypenoside và 5-FU trong việc điều trị sự hình thành polyp trực tràng [8].

          Ngoài các tác dụng chống ung thư trực tiếp, gypenoside cũng có thể điều chỉnh trạng thái đa kháng thuốc (MDR – multi drug resistance) trong các tế bào ung thư. Gypenoside ở nồng độ 0,1 mg/mL cùng với colchicine trên các tế bào CEM/VLB100 kháng colchicine (biểu hiện quá mức của P-glycoprotein) thể hiện độc tính tế bào mạnh hơn gấp 15 lần, so với khi chỉ dùng mỗi colchicine [9]. Hợp chất H6 (3β,20S,21- trihydroxydammar-24-ene) được phát hiện là một chất điều chỉnh chống đa kháng thuốc mạnh. Hợp chất H6 cũng cải thiện quá trình chết tế bào do vincristine gây ra trên các tế bào KB/VCR phụ thuộc vào nồng độ [10].

11.2. Các tác dụng trên tim mạch

    • Tác dụng chống tăng lipid máu

          Các nghiên cứu dược lý đã chỉ ra tác dụng của gypenoside trên cả mô hình xơ vữa động mạch in vitro in vivo. Gynosaponin TR1 (10 µM) có tác dụng ức chế sự hình thành xơ vữa động mạch ở mô hình chuột [11, 12]. Một nghiên cứu khác đã mô tả rằng tiêm phúc mạc gypenoside XVII ở liều 50 mg/kg đã làm giảm lượng lipid trong máu và giảm sự hình thành các tổn thương xơ vữa động mạch trong mô hình chuột ApoE-/- [13].

           Gypenoside LI, một saponin từ cây Giảo cổ lam, ở khoảng nồng độ 25 – 100 µg/mL thể hiện sự chế đối với sự hình thành các tế bào bọt (foam cells) do Ox-LDL gây ra và sự tích tụ lipids nội bào [14].

    • Tác dụng bảo vệ tim

            Nước sắc của cây Giảo cổ lam ở liều 2,5; 5 và 10 mg/kg khi tiêm tĩnh mạch đã cho thấy khả năng bảo vệ chống co thắt mạch vành, rối loạn nhịp tim và phản ứng tăng huyết áp do pitressin gây ra ở chuột lang. Trong thử nghiệm rối loạn nhịp tim do ouabain gây ra, liều ouabain cần thiết để gây loạn nhịp nhanh thất và tử vong ở nhóm được tiêm cao chiết thì cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng, và cao chiết cũng có thể đảo ngược nhịp nhanh thất trở lại bình thường và tái lập nhịp xoang theo cách phụ thuộc vào nồng độ [15].

             Trong mô hình chuột mắc bệnh cơ tim do tiểu đường, gypenoside cho thấy tác dụng bảo vệ các cơ và chức năng của tim [16]. Các thí nghiệm in vivo cho thấy rằng gypenoside ở liều 200 mg/kg làm giảm đường huyết và can thiệp vào sự biểu hiện của protein NLRP3 và interleukin-1b, do đó làm giảm bệnh cơ tim do đái tháo đường ở mô hình chuột bị đái thường với chế độ ăn nhiều chất béo [17]. Các gypenoside cũng thể hiện tác dụng ức chế có thể đảo ngược được trên các enzyme Na+, K+-ATPase của microsome trong não và tim chuột theo cách phụ thuộc vào nồng độ với giá trị IC50 lần lượt là 58,79 ± 8,05 mg/L và 52,07 ± 6,25 mg/L [18].

11.3. Tác dụng chống đái tháo đường và chống béo phì

          Saponin phanoside ở nồng độ 500 µM đã được tìm thấy là có khả năng kích thích các tiểu đảo tuyến tụy bị cô lập khiến giải phóng insulin gấp 4-10 lần trong các xét nghiệm tiêm glucose, so với kích thích 2 lần của glibenclamide (2 µM). Các thí nghiệm in vivo cũng cho thấy rằng phanoside ở liều 40 và 80 mg/kg cải thiện tình trạng kháng glucose và nồng độ insulin huyết tương ở các con chuột bị tăng đường huyết [19]. Gylongiposide I cũng được tìm thấy là có tác dụng kích thích tiết insulin mạnh, đặc biệt trong điều kiện glucose cao (16,7 mM) trong các tiểu đảo tụy đã được phân lập ở chuột Goto-Kakizaki bị đái tháo đường [20].

11.4. Tác dụng bảo vệ gan

          Trong mô hình in vivo, khi sử dụng gypenoside đường uống ở liều 11,49 mg/kg/ngày ở chuột bị gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) trong 6 ngày đã làm giảm đáng kể số lượng chuột bị gan nhiễm mỡ mức độ cao, tương đương với nhóm đối chứng dương sử dụng rosiglitazone [20]. Sử dụng gypenoside ở liều 100-200 mg/kg cũng làm giảm viêm và xơ hóa gan ở chuột bị NAFLD [21]. Gypenoside XL ở liều 10 và 20 mg/kg/ngày được tìm thấy là làm tăng sự biểu hiện protein của PPARa, làm điều hòa tăng biểu hiện của một vài gen quan trọng trong sự b-oxy hóa acid béo trong chuột bị gan nhiễm mỡ [22].

11.5. Tác dụng chống viêm

          Cao chiết nước của Giảo cổ lam ở liều 2,5–10 mg/kg đã được chứng minh làm giãn phế quản đáng kể, tăng luồn không khí vào phổi ở chuột lang đực bị co thắt phế quản do histamin gây ra [23]. Phân đoạn butanol của cao chiết ethanol Giảo cổ lam (GPB) ở liều 200 và 400 mg/kg cho thấy tác dụng bảo vệ vết loét dạ dày trong mô hình chuột bị loét dạ dày do indomethacin gây ra [24]. Sử dụng các gypenoside ở liều 200 mg/kg trước khi dùng indomethacin (10mg/kg) làm giảm đáng kể lượng huyết sắc tố trong phân và haptoglobin trong huyết tương do loét dạ dày do uống indomethacin đồng thời nâng cao tổng số vi khuẩn hiếu khí đường ruột, do đó làm giảm mất máu gây loét dạ dày và bảo vệ hệ tiêu hóa [25].

          Tiêm phúc mạc gypenoside IX với liều 3–30 mg/kg/ngày lên chuột ũng làm giảm bớt chứng loạn thần kinh đệm sao ở vỏ não chuột [26].

           Các gypenoside được phát hiện có khả năng điều hòa giảm biểu hiện của nhiều chất trung gian gây viêm, ví dụ TNF-α, iNOS, IL-6, IL-1β, COX-2 và NO, do đó thể hiện tác dụng chống viêm [4].

11.6.   Tác dụng bảo vệ thần kinh

    • Bệnh Parkinson

           Cao chiết Giảo cổ lam với liều 50 mg/kg dùng đường uống trong 21 ngày cho thấy tác dụng cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ trên mô hình chuột bị bệnh Parkinson do MPTP gây ra khi được sử dụng với ʟ -DOPA (10 và 25 mg/kg trong 21 ngày) [27, 28]. Trong mô hình chuột bị bệnh Parkinson do MPTP gây ra, các phân đoạn giàu gypenoside và cao chiết ethanol của Giảo cổ lam làm giảm các triệu chứng lo âu với liều 50 mg/kg trong 21 ngày ở hai thử nghiệm [29].

           Đối với chứng khó vận động do ʟ-DOPA (LID) gây ra, sử dụng đồng thời cao chiết Giảo cổ lam với liều 50 mg/kg hoặc các gypenoside với liều 25 và 50 mg/kg với ʟ- DOPA ở liều 25 mg/kg giúp làm chậm quá trình tiến triển của LID mà không ảnh hưởng đến tác dụng của ʟ-DOPA trong điều trị Parkinson [30].

    • Tăng cường trí nhớ

            Gynosaponin TN-2 (liều 10 – 40 mg/kg) và LXXIV (liều 10 – 40 mg/kg) dùng đường uống thể hiện tác dụng tăng cường trí nhớ ở mô hình chuột bị suy giảm trí nhớ do scopolamine gây ra trong thử nghiệm mê cung nước Morris và thử nghiệm tránh thụ động (passive-avoidance) [31, 32].

12. Thử nghiệm lâm sàng

            Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, cao chiết Giảo cổ lam với liều 6 g/ngày làm giảm đáng kể mức glucose 3,0 ± 1,8 mmol/L so với nhóm chứng với mức giảm 0,6 ± 2,2 mmol/L, và mức HBA1C khoảng 2%, so với mức giảm 0,2% ở nhóm chứng [4, 33].

            Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược, cao chiết Giảo cổ lam làm giảm đáng kể mức glucose huyết tương lúc đói được 1,9 ± 1,0 mmol/L mà không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào về mức insulin huyết tương lúc đói và insulin huyết tương ở trạng thái ổn định [4, 34].

            Trong một thử nghiệm lâm sàng khác, việc điều trị phối hợp giữa cao chiết Giảo cổ lam và gliclazide cũng được chứng minh là cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết (giảm đường huyết được 2,9 ± 1,7 mmol/L), so với chỉ sử dụng gliclazide (0,9 ± 0,6 mmol/L) [4, 35].

             Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược về tác dụng chống béo phì của cao chiết Giảo cổ lam đã qua xử lý nhiệt sử dụng với liều 450 mg/ngày trong 12 tuần liên tiếp làm đáng kể các thông số nhân trắc học nhưng không có ý nghĩa thống kê về các thông số lipid máu [4, 36].

             Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược về tác dụng lo âu của cao chiết ethanol 80% của Giảo cổ lam trên 72 người trưởng thành khỏe mạnh với 40-60 điểm STAI (State-Trait Anxiety Inventory – Thang tự đánh giá mức độ lo âu), kết quả thu được sau 8 tuần thử nghiệm là: cao chiết ethanol của Giảo cổ lam với liều 2 × 200 mg/ngày đã được chứng minh làm giảm đáng kể tổng điểm STAI 17,8 %, so với ở nhóm đối chứng (p = 0,067) [4, 37].

13. Lưu ý khi dùng

             Trong mô hình in vivo, cao chiết nước của Giảo cổ lam trên các con chuột Wistar với các liều đường uống khác nhau từ 6 đến 750 mg cao chiết/kg/ngày trong 24 tuần. Kết quả là không có dấu hiệu nào cho thấy độc tính lâu dài đáng kể trên chuột trong suốt 6 tháng sử dụng cao chiết nước của Giảo cổ lam [4, 38].

             Trong các thử nghiệm về độc tính cấp, chuột cái dòng Sprague – Dawley được cho uống một liều 5000 mg/kg (cao chiết nước của Giảo cổ lam tiêu chuẩn, 6% gypenoside tổng) không quan sát được các dấu hiệu của độc tính cấp tính hay tử vong của cao chiết nước của Giảo cổ lam ở chuột [4, 39].

             Trong các thử nghiệm về độc tính bán trường diễn, cao chiết chuẩn của Giảo cổ lam được đưa cho cả hai giống của các con chuột dòng Sprague – Dawley bằng đường uống với liều 1000 mg/kg/ngày trong thời gian 90 ngày. Các chỉ số huyết học, y sinh học của máu và hình thái của các cơ quan nội tạng cho thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm chuột, cho thấy cao chiết nước của Giảo cổ lam an toàn ở liều sử dụng [4, 39]. Trong mô hình in vitro, Gypenoside cho thấy sự ức chế mạnh nhất đối với các CYP2D6 (IC50 1,61 μg/mL). Do đó, các gypenoside có thể gây ra tương tác giữa thảo dược và thuốc thông qua sự ức chế CYP2D6, do đó làm tăng độc tính của thuốc [40].

14. Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 403.
[2] Tra cứu dược liệu, https://tracuuduoclieu.vn/giao-co-lam.html, ngày truy cập: 04/2023.
[3] Dược điển Việt Nam (2017), NXB Y học Hà Nội.
[4] Journal of Ethnopharmacology (2021), 268: 113574. DOI: 10.1016/j.jep.2020.113574
[5] Integrative Cancer Therapies (2017), 10(1): 101-12. DOI: 10.1177/1534735410377198
[6] Integrative Cancer Therapies (2012), 11(2): 129-40. DOI: 10.1177/1534735411403306
[7] Phytomedicine (2011), 18(12): 1075-85. DOI: 10.1016/j.phymed.2011.03.009
[8] Proteomics (2016), 16(10): 1557-69. DOI: 10.1002/pmic.201500293
[9] Phytomedicine (2007), 14(12): 830-9. DOI: 10.1016/j.phymed.2007.09.006
[10] European Journal of Pharmacology (2012), 696(1-3): 43-53. DOI: 10.1016/j.ejphar.2012.09.046
[11] Biochemical Pharmacology (2005), 70(9): 1298-308. DOI: 10.1016/j.bcp.2005.07.033
[12] Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology (2003), 23(7): 1169-77. DOI: 10.1161/01.ATV.0000056743.42348.59
[13] International Journal of Molecular Sciences (2017), 18(2): 77. DOI: 10.3390/ijms18020077
[14] Journal of Functional Foods (2019), 60:103451. DOI: 10.1016/j.jff.2019.103451
[15] Phytomedicine (2005), 12(9): 638-643. DOI: 10.1016/j.phymed.2004.06.023
[16] American Journal of Chinese Medicine (2009), 37(6): 1059-68. DOI: 10.1142/S0192415X09007491   
[17] Journal of Cellular and Molecular Medicine (2018), 22(9): 4437-4448. DOI: 10.1111/jcmm.13743   
[18] Chinese Journal of Integrative Medicine (2007), 13(2): 128-131. DOI: 10.1007/s11655-007-0128-3   
[19] Journal of Biological Chemistry (2004), 279(40): 41361-7. DOI: 10.1074/jbc.M403435200
[20] Scientific Reports (2019), 9(1): 627. DOI: 10.1038/s41598-018-37517-3
[21] American Journal of Chinese Medicine (2018), 46(6): 1315-1332. DOI: 10.1142/S0192415X18500696
[22] Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine (2018), 8384631. DOI: 10.1155/2018/8384631
[23] Journal of Pharmacy and Pharmacology (2005), 57(8): 1053-8. DOI: 10.1211/0022357056613
[24] Phytomedicine (2004), 11(5): 431-435. DOI: 10.1016/j.phymed.2003.07.001
[25] Phytotherapy Research (2007), 21(6): 523-30. DOI: 10.1002/ptr.2086
[26] Journal of Agricultural and Food Chemistry (2017), 65(42): 9237-9246. DOI: 10.1021/acs.jafc.7b03382
[27] Journal of Medicinal Food (2017), 20(1): 11-18. DOI: 10.1089/jmf.2016.3764
[28] BMC Complementary and Alternative Medicine (2017), 17(1): 449. DOI: 10.1186/s12906-017-1959-x
[29] Brain Research (2014), 1567: 57-65. DOI: 10.1016/j.brainres.2014.04.015
[30] BMC Neuroscience (2015), 16: 23. DOI: 10.1186/s12868-015-0163-5
[31] Journal of Ethnopharmacology (2011), 134(3): 1010-3. DOI: 10.1016/j.jep.2011.02.002
[32] Planta Medica (2010), 76(8): 793-5. DOI: 10.1055/s-0029-1240795
[33] Hormone and Metabolic Research (2010), 42(5): 353-7. DOI: 10.1055/s-0030-1248298
[34] Journal of Evidence-Based Integrative Medicine (2012), 452313. DOI: 10.1155/2012/452313
[35] Journal of Nutrition and Metabolism (2013), 765383. DOI: 10.1155/2013/765383
[36] Obesity (2014), 22(1): 63-71. DOI: 10.1002/oby.20539
[37] Phytomedicine (2019), 52: 198-205. DOI: 10.1016/j.phymed.2018.05.002
[38] Fitoterapia (2004), 75(6): 539-51. DOI: 10.1016/j.fitote.2004.04.010
[39] Journal of Ethnopharmacology (2013), 149(1): 228-34. DOI: 10.1016/j.jep.2013.06.027
[40] Food and Chemical Toxicology (2013), 57: 262-5. DOI: 10.1016/j.fct.2013.03.041