Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

KIM TIỀN THẢO

1.  Tên khoa học

Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr. [1]

Tên đồng nghĩa: Hedysarum styracifolium Osbeck, Desmodium capitatum (Burm.f.) DC., Meibomia capitata (Burm.f.) Kuntze [1]

2.   Tên khác

Vảy rồng, Mắt rồng, Mắt trâu, Kim tiền thảo, Đuôi chồn quả cong [1]

3.   Họ thực vật

Họ Đậu – Fabaceae [1]

4.   Đặc điểm

         Cây thảo, mọc bò, sau đứng thẳng. Lá mọc so le, gồm 1 (đa số) hoặc 3 lá chét hình tròn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành chùm ngắn hơn lá; hoa màu hồng. Quả đầu hơi cong; hạt có 3 lông [2].

5.   Phân bố sinh thái

Phổ biến ở khắp nơi [1]

6.   Bộ phần dùng

Phần trên mặt đất [1]

7.   Công dụng

Chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm [1]

8.   Thu hái

Mùa hạ - thu [2]

9.   Chế biến

Loại tạp chất, phơi hoặc sấy khô [2]

10.   Thành phần hóa học

10.1.   Flavonoid

         Thành phần chính hóa học của cây Kim tiền thảo gồm: flavonoid và alkaloid. Các loại flavonoid chính được tìm thấy ở cây là: vicenin-1, vicenin-3, schaftoside, isovitexin, homoadonivernite [3, 4].

          Định lượng hoạt chất chính trong Kim tiền thảo được thu thập từ các môi trường sống khác nhau ở Trung Quốc bằng HPLC cho kết quả hàm lượng các chất như sau: schaftoside (4,890 ± 0,147 mg/g), vicenin 3 (2,560 ± 0,054 mg/g), vicenin 1 (1,750 ± 0,022 mg/g) và homoadonivernite (0,940 ± 0,019 mg/g) (trên dược liệu khô) [6].

flavonoid

  R1 R2 R3 R4
Schaftoside Glc Ara H H
Vicenin-3 Glc Xyl H H
Vicenin-1 Xyl Glc H H
Isoschaftoside Ara Glc H H
Homoadonivernite Glc(2-1)Xyl H OH H

10.2.   Alkaloid

Có tổng cộng 40 alkaloid gồm các thành phần chính như: alkaloid indole, alkaloid phenyletylamin, alkaloid pyrrolidine, alkanloid amide và alkylamine đơn giản [3, 4].

alkaloid

11.   Tác dụng dược lý

11.1.   Tác dụng chống viêm, chống nhiệt miệng và giảm đau

        Trong mô hình in vivo, nước sắc của Kim tiền thảo ở liều 50 mg qua đường uống cho thấy tác dụng chống viêm gây ra bởi dầu croton trên chuột [3].

11.2.   Tác dụng chống oxy hóa

      Trong mô hình in vitro, cao chiết Ethanol 95% của Kim tiền thảo cho thấy tác dụng loại bỏ các gốc hydroxyl, gốc superoxide, gốc tự do và tác dụng ức chế quá trình peroxy hóa lipid của cao chiết lần lượt là 60,7%; 87,5%; 21,1% và 31, 6% [3].

11.3.   Tác dụng chống sỏi thận

         Trong mô hình in vivo, Soyasaponin I được phân lập từ Kim tiền thảo với liều 0,6 mg/kg/ngày cho thấy tỷ lệ sỏi tiết niệu gây ra bởi ethylene glycol và 1-α(OH)D3 giảm xuống còn 29% so với nhóm đối chứng 81% [3].

11.4.   Tác dụng hạ huyết áp

         Trong mô hình in vivo, cao chiết nước của Kim tiền thảo cho thấy tác dụng hạ huyết áp mạnh với hai đáp ứng khác biệt và liên tiếp ở chuột có huyết áp bình thường: đáp ứng đầu tiên xuất hiện thông qua quá trình kích thích thụ thể cholinergic và trở nên ổn định ở tổng liều uống 300 mg/kg với huyết áp động mạch giảm trung bình 64,69 ± 8,27 mmHg (ED50 = 17,5 mg/kg), trong khi đáp ứng thứ hai xảy ra bởi sự ức chế các hạch tự trị (autonomic ganglion) và α-adrenoreceptor và đạt mức tối đa ở liều 100 mg/kg với huyết áp giảm xuống 56,53 ± 6,86 mmHg (ED50 = 8,5 mg/kg) [3].

11.5.   Tác dụng điều hòa miễn dịch

        Trong mô hình in vivo, polysaccharide từ Kim tiền thảo ở liều 10 mg/0,5 mL/ngày trong 5 ngày cho thấy tác dụng tạo điều hòa miễn dịch qua thông số trọng lượng của lá lách và tuyến ức của chuột cũng như số lượng tế bào lympho lách tăng tương ứng 36%, 65% và 63,1% [3].

12.   Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 497.
[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 2, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 114-116.
[3] Journal of Ethnopharmacology (2011), 138(2): 314-332. DOI: 10.1016/j.jep.2011.09.053
[4] The American Journal of Chinese Medicine (1989), 17(3-4): 189-202. DOI: 10.1142/S0192415X89000280
[5] BJU International (1993), 71(2): 143-147. DOI: 10.1111/j.1464- 410x.1993.tb15906.x
[6] Phytochemical Analysis (2012), 23(3): 240-247. DOI: 10.1002/pca.1349