Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

LÁ LỐT

1.   Tên khoa học

Piper lolot C.DC. [1]

2.   Tên khác

Lốt, Tất bát [1]

3.   Họ thực vật

Họ Hồ tiêu - Piperaceae [1]

4.   Đặc điểm thực vật

Cây thân cỏ, sống dai. Thân phồng lên ở các mấu, có vạch dọc, đôi khi có màu nâu, hơi phủ lông. Lá đơn, nguyên, mọc so le. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính. Quả mọng chứa một hạt [2].

5.   Phân bố, sinh thái

Cao Bằng, Quảng Ninh (Quảng Yên), Hà Nội, Ninh Bình (Cúc Phương); thường trồng ở nhiều nơi khác [1]

6.   Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất [1]

7.   Công dụng

Chữa phong thấp, thấp khớp mạn tính, đau lưng, đau khớp, đau nhức xương, tay chân tê bại, rối loạn hệ tiêu hóa, thận và bàng quang lạnh, đau đầu nhức răng, viêm cấp tính răng miệng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân, phù thũng [1]

8.   Thu hái

Quanh năm [2]

9.   Chế biến

Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô [2]

10.   Thành phần hóa học

10.1.   Tinh dầu

Thông qua phân tích sắc ký khí và sắc ký khí – phổ khối tinh dầu từ lá, thân và thân rễ của Lá lốt, có hơn 35 hợp chất đã được phân lập, trong đó có 25 hợp chất đã được xác định. Hợp chất có hàm lượng cao nhất trong tinh dầu từ lá, thân và thân rễ của Lá lốt là β-caryophyllene (26,1 – 30,9%). Hợp chất chính có trong tinh dầu từ lá của Lá lốt với hàm lượng là β-bisabolene (11,6%), α-copaene (8,9%), α-cadinol (8,6%) và β- selinene (8,4%) [3, 4].

Hợp chất chính có trong tinh dầu từ lá của Lá lốt

Hợp chất chính có trong tinh dầu từ thân của Lá lốt với hàm lượng là α-muurolene (6,8%), caryophyllene oxide (6,1%) và γ-cadinene (5,1%) [3].

Hợp chất chính có trong tinh dầu từ thân của Lá lốt

Hợp chất chính có trong tinh dầu từ thân rễ của Lá lốt với hàm lượng là bornyl acetate (10,0%), α-cadinol (8,8%) và δ-cadinol (8,2%) [3].

Hợp chất chính có trong tinh dầu từ thân rễ của Lá lốt

10.2.   Alkaloid

Trong cao chiết methanol lá của Lá lốt, 17 hợp chất alkaloid được phân lập với các hoạt chất chính là piperlotine A (5,2 mg), piperlotine C (19,6 mg) và piperlotine D (2,3 mg) [5].

hợp chất alkaloid

10.3.   Flavonoid

Trong cao chiết methanol lá của Lá lốt, 3 hợp chất flavonoid được phân lập với 2 hoạt chất chính là 3-phenyl-1-(2,4,6-trihydroxyphenyl)propan-1-one (7,2 mg) và 3-(4- methoxyphenyl)-1-(2,4,6-trihydroxyphenyl)propan-1-one (426,5 mg) [5].

flavonoid

1.4. Các chất khác

Trong cao chiết methanol lá của Lá lốt, 5 hợp chất amide được phân lập với 2 hoạt chất là 1-trans-cinnamoylpyrrolidine (12,6 mg) và sarmentine (5,3 mg); 6 hợp chất benzenoid được phân lập với 1 hoạt chất là methyl 3-phenylpropionate (2,4 mg) [5].

hợp chất amide

11.   Tác dụng dược lý

11.1.   Tác dụng kháng khuẩn

Trong mô hình in vitro, tinh dầu Lá lốt cho thấy tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng vi khuẩn gram dương Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Listeria innocua Bacillus cereus với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt là 14,3 ± 0,3 mm; 17,1 ± 0,5 mm; 8,4 ± 0,2 mm và 9,0 ± 0,3 mm [6].

11.2.   Tác dụng chống oxy hóa

Trong mô hình in vitro, tinh dầu Lá lốt ở nồng độ 1% cho thấy tác dụng kháng các gốc tự do là 48,5 ± 0,3% [6].

11.3.   Tác dụng chống tập kết tiểu cầu

Trong mô hình in vitro, cao chiết methanol lá của Lá lốt cho thấy tác dụng chống tập kết tiểu cầu gây ra bởi acid arachidonic và yếu tố kích hoạt tiểu với giá trị IC50 lần lượt là 15,2 – 53,4 µg/mL và 50,3 – 83,2 µg/mL so với nhóm chứng lần lượt là 5,5 µg/mL và 1,5 µg/mL [5].

11.4.   Tác dụng chống tiểu đường

Trong mô hình in vitro, tinh dầu Lá lốt cho thấy tác dụng ức chế xanthine oxidase, α-amylase và α-glucosidase với giá trị IC50 lần lượt là 28,4; 130,6 và 59,1 μg/mL [4].

12.   Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 503.
[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 2, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 127-129.
[3] Journal of Essential Oil Research (1996), 8(6): 649-652. DOI: 10.1080/10412905.1996.9701034
[4] Heliyon (2023), 9(8). DOI: 10.1016/j.heliyon.2023.e19148
[5] Journal of Agricultural and Food Chemistry (2007), 55(23): 9436-9442. DOI: 10.1021/jf071963l
[6] Tạp chí Khoa học và Công nghệ (2021), 18(2): 123-132.