Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

TRẦU KHÔNG

1.   Tên khoa học

Piper betie L. [1]

2.   Tên khác

Chưa tìm thấy tài liệu

3.   Họ thực vật

Họ Hồ tiêu – Piperaceae [1]

4.   Đặc điểm thực vật

         Dây leo bám cành hình trụ, nhẫn có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, gân nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có bẹ kéo dài. Cụm hoa mọc buông thông ở kẽ lá thành những bông ngắn; lá bắc tròn hoặc hình trái xoan [2].

5.   Phân bố, sinh thái

Trồng khắp nơi trong cả nước [1]

6.   Bộ phận dùng

Lá [1]

7.   Công dụng

         Chữa hàn thấp nhức mỏi, đau dạ dày, loạn sản dạ dày, ăn uống không tiêu, bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có sưng mủ đau, hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều, khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, viêm quanh răng, viêm tai, viêm họng [1]

8.   Thu hái

Quanh năm [2]

9.   Chế biến

Dùng tươi [2]

10.   Thành phần hóa học

10.1.   Các hợp chất phenol

         Tổng hàm lượng phenolic được báo cáo dưới dạng µg đương lượng acid gallic (GAE)/mg lá khô. Hàm lượng phenolic toàn phần thu được khi chiết bằng aceton là 186,26 ± 0,73 (GAE)/mg, nhiều hơn khi chiết bằng ethyl acetat với 183,24 ± 0,76 (GAE)/mg [3].

         Cao chiết ethanol Trầu không ghi nhận hàm lượng phenolic phong phú, trong đó eugenol là hợp chất chính với hàm lượng 2,898 mg/g, chiếm 6,40 – 71,87% [4 – 6].

         Hydroxychavicol phân lập được từ Trầu không có hàm lượng 25,035 mg/g, chiếm 39,50 – 69,46%. Có 5 dạng hydroxychavicol được xác định trong các loài Trầu không khác nhau, bao gồm 4-allylcatechol, methyl eugenol, 4-allylbenzen-1, 2-diol và 4- allylpyrocatechol [4, 7, 8, 9].

         Chavicol phân lập được từ các loài Trầu không tồn tại ở nhiều dạng phenolic khác nhau như 4-allylphenol, p-Hydroxy allylbenzen 4-(2-propenyl)-phenol. Chavicol chiếm 0,40 – 48% và chavibetol chiếm 22,00 – 80,50% hàm lượng trong Trầu không [9 – 11].

Các hợp chất phenol

10.2.   Flavonoid

         Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều flavonoid được phân lập từ Trầu không như estragole, anethole, isoeugenol và terphenyl acetate. Trong số đó, estragole và anethole là các hợp chất chính với hàm lượng lần lượt là 15,80% và 19,30 – 54,93% [3, 11, 12, 13].

10.3.   Acid hữu cơ và safrole

         Một số acid có hoạt tính sinh học được phát hiện trong Trầu không bao gồm n- hexadeconoic acid có hàm lượng 76% và chlorogenic acid. [14, 15].

         Một lượng lớn safrole tồn tại ở nhiều dạng trong các loại Trầu không khác nhau đã được phân lập từ cụm hoa. Một số dạng được phân lập được bao gồm 4- allylpyrocatechol formaldehyde acetal; 1, 3-benzodioxole, shikomol; 5-(2-propenyl); 4- allyls 1, 2 methylenedioxybenzene [9].

Safrole

10.4.   Vitamin

       Tính đến thời điểm hiện tại, người ta đã phát hiện vitamin A (β-carotene), vitamin E (α-tocopherol) và vitamin C trong lá Trầu không. Trong đó, vitamin A và vitamin E là các hợp chất chính với hàm lượng lần lượt là 1,9 – 2,9 mg/100 g và 3,20 – 6,69 mg/100g. Vitamin C có hàm lượng 5 mg/100 g, chiếm 0,005 – 0,01% [14, 16, 17].

vitamin

11.   Tác dụng dược lý

11.1.   Tác dụng chống đái tháo đường

         Một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột đái tháo đường ghi nhận tác dụng hạ đường huyết lúc đói và tăng dự trữ glycogen ở gan và cơ xương. Sử dụng cao chiết nước và ethanol của Trầu không trên chuột với liều 200 mg/kg đường uống làm giảm 36,3% nồng độ glucose máu so với nhóm chứng (p < 0,05). Cao chiết nước Trầu không với liều và đường dùng tương tự làm tăng 44% hàm lượng glycogen ở cơ xương và 105% hàm lượng glycogen ở gan so với nhóm chứng (p < 0,05) [18].

11.2.   Tác dụng chống ung thư

       Một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột được cấy khối u tuyến tiền liệt ở người ghi nhận tác dụng trong điều trị ung thư của Trầu không. Sử dụng cao chiết methanol Trầu không trên chuột với liều 400 mg/kg đường uống mỗi ngày trong 6 tuần liên tiếp có khả năng ức chế 61% thể tích khối u (p < 0,05), làm giảm khoảng 59% trọng lượng khối u so với nhóm chứng [19].

11.3.   Tác dụng chống viêm

        Một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột viêm khớp ghi nhận tác dụng chống viêm của Trầu không. Sử dụng cao chiết ethanol với liều 100 mg/kg đường tiêm làm giảm 24,73% thể tích phù nề so với nhóm chứng sau 5 ngày điều trị (p < 0,05) [20].

11.4.   Tác dụng chống loét

       Một thử nghiệm in vivo trên chuột ghi nhận tác dụng cao chiết ethanol Trầu không ở liều 200 mg/kg đường uống có khả năng làm giảm 75,90% chỉ số loét; đồng thời gia tăng đáng kể hàm lượng chất nhầy cùng hexosamine ở niêm mạc dạ dày với mức tăng lần lượt là 59,49% và 391,07% so với nhóm chứng (p < 0,001) [21].

11.5.   Tác dụng kháng khuẩn

       Trên mô hình in vitro, nhũ tương nano được bào chế từ tinh dầu lá Trầu không có khả năng ức chế 5 chủng vi khuẩn lây truyền qua thực phẩm, bao gồm Klebsiella pneumonia, Bacillus cereus, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli Staphylococcus aureus ở nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 0,5 – 1,25 µL/mL và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) là 1 – 2,5 µL/mL [22].

11.6.   Tác dụng chống oxy hóa

       Một thử nghiệm in vitro trên 8 giống Trầu không khác nhau đã ghi nhận tác dụng chống oxy hóa của phân đoạn ethyl acetate và phân đoạn chloroform từ cao chiết nước Trầu không. Khả năng loại bỏ gốc tự do 2,2′‐diphenyl‐1‐picrylhydrazyl (DPPH) mạnh nhất được quan sát thấy ở phân đoạn chloroform của giống Trầu không Ghanagete và phân đoạn ethyl acetate của giống Trầu không Bangla với giá trị IC50 lần lượt là 2,568 ± 0,131 g/mL và 2,166 ± 0,159 g/mL [23].

12.   Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 980.
[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 2, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 1007-1010.
[3] South African Journal of Botany (2016), 105: 133–140. DOI: 10.1016/j.sajb.2016.01.006.
[4] Engineering Reports (2020), 2(10): 2-9. DOI: 10.1002/eng2.12246
[5] Biologia (2016), 71: 128-132. DOI: 10.1515/biolog-2016-0030
[6] Journal of Applied Research on Medicinal and Aromatic Plants (2018), 10: 85-92. DOI: 10.1016/j.jarmap.2018.06.006
[7] Resource-Efficient Technologies (2017), 3(4): 385-393. DOI: 10.1016/j.reffit.2017.02.007
[8] Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry (2017), 6(3): 774-778. Corpus ID:55943844
[9] Essential Oil Research (2019), 149-196. DOI: 10.1007/978-3-030-16546-8_5
[10] International Journal of Professional Holistic Aromatherapy (2012), 1(2): 23-26.
[11] International Journal of Food Microbiology (2015), 215: 171-178. DOI: 10.1016/j.ijfoodmicro.2015.09.019
[12] Biochemical Systematics and Ecology (1989), 17(1): 35-38. DOI: 10.1016/0305-1978(89)90039-2
[13] The Andhra Agricultural Journal (1996), 43(1): 24-26.
[14] Journal of Human Ecology (2006), 19(2): 87-93. DOI: 10.1080/09709274.2006.11905861
[15] Environmental Technology and Innovation (2020), 20: 101140. DOI: 10.1016/j.eti.2020.101140
[16] 3 Biotech (2019), 9(1): 37. DOI: 10.1007/s13205-018-1565-8
[17] Carpathian Journal of Food Science and Technology (2018), 10(1): 64-73. ISSN: 2066-6845
[18] Journal of Ethnopharmacology (2005), 102(2): 239-245. DOI: 10.1016/j.jep.2005.06.016
[19] Journal Article (2013), 34(7): 1558-1566. DOI: 10.1093/carcin/bgt066
[20] Journal of Pharmacy and Pharmacology (2007), 59: 711-718. DOI: 10.1211/jpp.59.5.0012
[21] Indian Journal of Clinical Biochemistry (2002), 17(1): 49-57. DOI: 10.1007/BF02867942
[22] Journal of Food Processing and Preservation (2018), 42(6): 1-7. DOI: 10.1111/jfpp.13617
[23] Journal of Food Processing and Preservation (2019), 43(12): 1-12. DOI: 10.1111/jfbc.13048