Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

XUYÊN TÂM LIÊN

1.   Tên khoa học

Andrographis paniculata (Burm. f.) Wall. ex Nees [1]

Tên đồng nghĩa: Justicia paniculata Burm. f., Andrographissubpathulata C. B. Clarke [1]

2.   Tên khác

Công cộng, Nguyên cọng, Hùng bút, Nhất kiến kỷ, Khổ đảm cỏ, Lâm hạch liên, Khổ diệp [1]

3.   Họ thực vật

Họ Ô rô - Acanthaceae [1]

4.   Đặc điểm thực vật

         Cây nhỏ, thân vuông, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành nhẵn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm đen. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa màu trắng, điểm những đốm hồng tím. Quả nang, hẹp, thuôn dài, hơi có lông mịn, hạt hình tròn [2].

5.   Phân bố, sinh thái

Đắk Lắk, Khánh Hòa (trồng ở các vườn thuốc), An Giang (Châu Đốc) [1]

6.   Bộ phận dùng

Lá [1]

7.   Công dụng

Chữa lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm mạo phát sốt, viêm họng, viêm amydal, viêm phổi [1]

8.   Thu hái

Tháng 9 – 10 [2]

9.   Chế biến

Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái thành từng đoạn, rồi phơi hoặc sấy khô [2]

10.   Thành phần hóa học

10.1.   Diterpenoid

         Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 hợp chất diterpenoid được phân lập và xác định cấu trúc từ cao chiết ethanol và methanol của lá, thân và toàn bộ cây Xuyên tâm liên. Trong đó, andrographolide được ghi nhận là hợp chất chính, chiếm 1% trong lá, 0,8 – 1,2% trong thân và 4% trong toàn bộ cây khô [3].

diterpenoid

10.2.   Flavonoid

         Từ cao chiết ethanol và methanol từ toàn bộ cây, lá và thân của Xuyên tâm liên phân lập được hơn mười hợp chất flavonoid. Trong đó, người ta xác định được các hợp chất chính là 5-hydroxy-7,8-dimethoxyflavone, 5-hydroxy-7,8,2′,5'- tetramethoxyflavone, 5-hydroxy-7,8,2',3'-tetramethoxyflavone, 5-hydroxy-7,8,2'- trimethoxyflavone, 7-O-methylwogonin và 2'-methyl ether từ phân đoạn ethyl acetat [3, 4].

Flavonoid

11.   Tác dụng dược lý

11.1.   Tác dụng chống viêm

        Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột, sử dụng cao chiết methanol Xuyên tâm liên ở liều 50 mg/ngày đường tiêm phúc mạc trong 5 ngày liên tiếp có khả năng ức chế 65% sự sản sinh NO từ đại thực bào ở phúc mạc. Trên mô hình chuột bị viêm do carageenan, sử dụng cao chiết methanol Xuyên tâm liên ở liều và đường dùng tương tự ghi nhận tác dụng ức chế sự hình thành sưng phù ở chân khi quan sát được mức giảm đáng kể độ dày của chân chuột so với nhóm đối chứng không được điều trị [5].

11.2.   Tác dụng chống ung thư

         Một nghiên cứu in vivo đã ghi nhận khả năng làm tăng tuổi thọ trên mô hình chuột BALB/c được tiêm tế bào u tuyến ức. Sử dụng cao chiết ethanol Xuyên tâm liên ở liều 10 mg/ngày trong 10 ngày liên tiếp ghi nhận tuổi thọ của chuột là 51,1 ± 1,9 ngày với tỷ lệ sống sót 88,5%, cao hơn tuổi thọ của nhóm không được điều trị là 27,1 ngày.

         Nghiên cứu ghi nhận nồng độ IL-2 ở nhóm được điều trị bằng cao chiết ethanol Xuyên tâm liên là 17,19 ± 0,2 pg/mL, cao hơn so với nhóm đối chứng có nồng độ 3,72 ± 0,1 pg/mL. Bên cạnh đó, nồng độ IFN-γ tăng lên 3415,2 ± 31,7 pg/mL, cao hơn so với mức bình thường là 2956,7 ± 6,4 pg/mL và nhóm đối chứng có nồng độ 1209,3 ± 6,3 pg/mL. Như vậy, khả năng ức chế sự phát triển khối u của Xuyên tâm liên được cho là thông qua cơ chế tăng tiết IL-2 và IFN-γ từ tế bào T [6].

      Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột C57BL/6 được cấy ghép khối u, sử dụng andrographolide chiết xuất từ Xuyên tâm liên ở đường uống với liều 100 và 200 mg/kg x 2 lần/ngày trong 10 ngày liên tiếp ghi nhận tác dụng ức chế sự phát triển của khối u lần lượt là 36 và 39% [7].

11.3.   Tác dụng điều hòa miễn dịch

        Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, sử dụng viên nén chứa 30 mg andrographolide chiết xuất từ Xuyên tâm liên với liều 3 viên/ngày có khả năng làm giảm các triệu chứng đau khớp, mệt mỏi, mất ngủ và giảm một số thông số sinh học như globulin miễn dịch huyết thanh và các thành phần bổ thể ở bệnh nhân trong thời gian điều trị 14 tuần [8].

11.4.   Tác dụng chống nhiễm trùng

         Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược, sử dụng viên nén chứa 85 mg cao chiết Xuyên tâm liên và 10 mg cao chiết Sâm Liên Xô (Acanthopanax senticosus) có khả năng giảm các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên và các triệu chứng viêm của tình trạng viêm xoang [9].

11.5.   Tác dụng chống độc gan

         Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột bị gây độc bằng CCl4 và tert- butyl hydroperoxide, sử dụng cao chiết methanol Xuyên tâm liên đường tiêm với liều 100 mg/kg trong 3 ngày liên tiếp có khả năng ức chế 32 – 40% sự tạo thành malonyl dialdehyde ở gan. Cao chiết methanol Xuyên tâm liên ở liều và đường dùng tương tự có tác dụng ngăn sự suy giảm glutathione ở gan với tỷ lệ 16 – 29% ở nhóm chuột bị gây độc bằng CCl4 và 11 – 15% ở nhóm bị gây độc bằng tert-butyl hydroperoxide [10].

11.6.   Tác dụng hạ đường huyết

       Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột bị tiểu đường do streptozotocin, sử dụng cao chiết Xuyên tâm liên đường uống ở liều 0,1; 0,2 và 0,4 g/kg x 2 lần/ngày trong 14 ngày liên tiếp có tác dụng làm giảm đáng kể đường huyết lúc đói so với nhóm đối chứng. Tác dụng này tương tự nhóm điều trị bằng metformin, tuy nhiên, nhóm điều trị bằng cao chiết Xuyên tâm liên còn được ghi nhận khả năng làm giảm 49,8% nồng độ chất béo trung tính trong huyết thanh lúc đói, cao hơn so với mức giảm 27,7% ở nhóm điều trị bằng metformin [11].

11.7.   Tác dụng chống oxy hóa

        Trong một thử nghiệm in vivo trên mô hình chuột, sử dụng cao chiết cồn-nước của Xuyên tâm liên đường uống ở liều 50 và 100 mg/kg/ngày trong 14 ngày liên tiếp có tác dụng tăng cảm ứng của hệ enzym cytochrome P450 ở gan lần lượt là 1,21 và 1,38 lần; đồng thời tăng hoạt tính của glutathione S-transferase ở gan với mức tăng lần lượt là 1,16 và 1,45 lần [12].

12.   Tài liệu tham khảo

[1] Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 1051.
[2] Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (2006), tập 2, NXB Khoa học và Kỹ thuật, trang 1136-1137.
[3] Chinese Medicine (2010), 5(17). DOI:10.1186/1749-8546-5-17
[4] Natural Product Communications (2010), 5(1): 59-60. DOI: 10.1177/1934578X1000500115
[5] Immunopharmacology and Immunotoxicology (2006), 28(1): 129-140. DOI: 10.1080/08923970600626007
[6] Immunopharmacology and Immunotoxicology (2007), 29(1): 81-93. DOI: 10.1080/08923970701282726.
[7] Journal of  Experimental Therapeutics and Oncology (2003), 3(3). DOI: 10.1046/j.1359-4117.2003.01090.x
[8] Clinical Rheumatology (2009), 28: 931-946. DOI: 10.1007/s10067-009-1180-5
[9] Phytomedicine (2000), 9(7): 589-597. DOI: 10.1078/094471102321616391
[10] Biochemical Pharmacology (1993), 46(1): 182-185. DOI: 10.1016/0006-2952(93)90364-3
[11] Acta Pharmacologica Sinica (2000), 21(12): 1157-1164. PMID: 11603293
[12] Phytotherapy Research (2001), 15: 382-390. DOI: 10.1002/ptr.730