Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Cam thảo là cây gì? Đặc điểm, hình ảnh, có tác dụng gì?

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Nguyễn Hải Anh

Chuyên khoa: Dược lâm sàng, dược lý, dược liệu, dược bào chế

Cam thảo là dược liệu quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày ở các bài thuốc, thức uống hay gia vị món ăn. Vậy nó có tác dụng gì đối với sức khỏe con người? Và sử dụng sao cho hiệu quả mà không gây tác dụng phụ? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Tìm hiểu chung về cam thảo

Cam thảo tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis, thuộc họ Đậu (Fabaceae) hoặc Cánh bướm. Chúng còn được gọi với các tên khác như cam thảo bắc, lộ thảo, quốc lão, sinh cam thảo. Sở dĩ được gọi như vậy vì cam có nghĩa là ngọt, thảo là cây, cam thảo có nghĩa là cây có vị ngọt. 

1.1 Phân loại 

Hiện nay, người ta đã phát hiện ra ba loại cam thảo sinh sống tại các vùng khác nhau trên nước ta với những đặc điểm riêng biệt, bạn cần chú ý để tránh gây nhầm lẫn. Cụ thể:

  • Cam thảo bắc (Glycyrrhiza uralensis Fish)
  • Cam thảo nam (Seoparia dulcis L.) hay còn được gọi là cam thảo đất.
  • Cam thảo dây ( Abrus precatorius L.)
  • Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, người ta còn dùng cây sóng rắn với tên cam thảo.

1.2 Đặc điểm hình thái 

Mặc dù vẫn mang những cấu trúc chung về đặc điểm hình thái, nhưng tuỳ vào từng loại mà sẽ có sự khác biệt để bạn dễ dàng nhận biết. Ví dụ:

 - Cam thảo bắc (Glycyrrhiza uralensis Fish)

Loài này thuộc loại cây thân thảo sống lâu năm, cao từ 1 đến 1,5 mét. Lá cam thảo kép lông chim, mỗi lá có khoảng 7-15 lá chét, hình bầu dục hoặc hình trứng, mép lá nguyên, đầu lá nhọn, mặt khá nhắn.  Hoa mọc thành chùm, hình cánh bướm, màu tím hoặc tím nhạt, mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Quả đậu, hình dẹt, nhiều lông và màu nâu, dài khoảng 2-3 cm, chứa từ 3-6 hạt. Rễ dài, có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ và vị ngọt đặc trưng.

cây cam thảoHình ảnh cây cam thảo bắc trong tự nhiên

 - Cam thảo nam (Seoparia dulcis L.)

Thân thảo nhỏ, thường cao từ 40-80cm, phân nhiều nhánh, có lông mịn. Cây cam thảo nam thường có thân mạnh mẽ hơn so với cam thảo Bắc. Lá đơn, mọc đối xứng nhau thành từng vòng gồm 3 lá. Phiến lá hình bầu dục hoặc hình mác, dài khoảng 1.5-3cm, mép lá hơi có răng cưa. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc đơn lẻ hoặc thành chùm ở nách lá. Quả nang, hình trứng, dài khoảng 2-3 mm, chứa nhiều hạt nhỏ. Rễ nhỏ, mảnh, có vị ngọt nhẹ, không ngọt bằng cam thảo bắc và có thể đắng hơn chút.

 - Cam thảo dây (Abrus precatorius L.)

Ở nhiều địa phương có thể gọi là dây chi chi, tương tư đằng… Đây là loài cây leo thân mảnh, có thể dài tới vài mét, phân nhiều nhánh. Lá kép lông chim chẵn, mỗi lá có khoảng 10-20 đôi lá chét nhỏ, hình bầu dục hoặc hình trứng, mép lá nguyên. Hoa nhỏ, màu tím hoặc hồng, mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành. Quả đậu, dài khoảng 2-4cm, khi chín chuyển sang màu đen, chứa hạt màu đỏ với vệt đen đặc trưng. Rễ dài, có vị ngọt và có thể sử dụng làm dược liệu.

1.3 Phân bố 

Cây cam thảo có phân bố rộng khắp trên thế giới, nhưng chủ yếu được tìm thấy ở các khu vực có khí hậu ôn đới và nhiệt đới ôn hòa. 

Cam thảo bắc có nguồn gốc từ Trung Quốc, sử dụng phổ biến trong đông y. Cây di thực về Việt Nam đã từ lâu, thường được trồng hoặc mọc hoang ở các khu vực có đất phù sa và khí hậu ôn đới, chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Ninh… 

Cam thảo nam và cam thảo dây mọc nhiều ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, các vùng đồng bằng cùng nhiều tỉnh thành ở miền Nam nước ta. Chủ yếu như Lạng Sơn, Hưng Yên, Thanh Hóa…. 

Hiện nay, nhu cầu sử dụng cam thảo bắc ngày càng tăng cao nên chúng cũng được nuôi cấy, trồng để thu hái ở các vườn cây và trang trại nông nghiệp.

1.4 Thành phần hoá học

Cam thảo chứa nhiều thành phần hoá học quan trọng, nhưng thành phần chính nhất là glycyrrhizin, một loại saponin có hàm lượng cao. Dưới đây là một số thành phần hoá học chính trong cam thảo:

đặc điểm cây cam thảocây cam thảo

  • Glycyrrhizin: Là nguyên nhân gây ra hương vị ngọt đặc trưng của cây này. Nó cũng có tác dụng chống vi khuẩn, chống vi rút và chống viêm.
  • Flavonoid: Bao gồm các hợp chất như liquiritin, isoliquiritin, liquiritigenin và isoliquiritigenin. Flavonoid có khả năng chống oxy hóa và có tác dụng chống vi khuẩn, giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
  • Acid béo: Cam thảo chứa nhiều loại acid béo, bao gồm acid glycyrrhizic, oleic, stearic và palmitic. Các acid béo này có nhiều tác dụng lợi cho sức khỏe như hỗ trợ sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa.
  • Coumarin: Là một loại hợp chất có hoạt tính kháng vi khuẩn và chống vi rút.
  • Các chất chống oxy hóa khác: Cam thảo cũng chứa một số chất chống oxy hóa khác như licoricidin và glabridin, có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do các gốc tự do.

1.5 Thu hái và chế biến

Rễ và thân cây cam thảo là bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Chúng có thể được thu hái quanh năm, tuy nhiên thời điểm thu hái quan trọng thường là vào mùa thu hoặc mùa xuân khi cây cam thảo đã đạt đến độ tuổi phù hợp. Thời điểm tốt nhất là khi cây chưa bắt đầu ra hoa.

Khi thu hái, cần cẩn thận để không gây tổn thương đến cây và đảm bảo rễ được lấy ra một cách toàn vẹn. Sau đó, rễ được làm sạch bằng cách rửa và loại bỏ bụi bẩn. Tiếp theo, thái thành từng lát mỏng, phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ thích hợp để giữ nguyên chất lượng và khả năng lưu trữ lâu dài. 

Bạn cũng có thể tán thành bột để phục vụ nhu cầu khác nhau. Hãy đóng gói cẩn thận bằng túi giấy hoặc hộp đựng thực phẩm kín đáo để đảm bảo an toàn và sạch sẽ. Lưu trữ ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao.

||Bạn có biết: Cây cát cánh là cây gì? Đặc điểm, hình ảnh, chữa bệnh gì?

II. Cam thảo có tác dụng gì?

Cam thảo tươi hay khô đều có rất nhiều tác dụng với sức khỏe, nó giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý như:

- Cải thiện các vấn đề về da

Cam thảo chứa đến hơn 300 hợp chất khác nhau, trong đó có các hợp chất có khả năng chống vi khuẩn và chống viêm, giúp làm dịu và làm giảm tình trạng viêm nhiễm trên da. Các flavonoid và acid béo có trong cam thảo có khả năng bảo vệ da khỏi tổn thương do gốc tự do và các tác nhân bên ngoài.

- Hỗ trợ chữa viêm loét dạ dày

Glycyrrhizin trong cam thảo có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách tạo ra một lớp bảo vệ và kích thích quá trình tái tạo tế bào. Cam thảo cũng có tác dụng làm giảm vi khuẩn Helicobacter pylori, một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.

cây cam thảo có tác dụng gìCam thảo giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau

- Chữa tình trạng trào ngược dạ dày

Cam thảo có tác dụng làm dịu niêm mạc dạ dày và giảm tổn thương, từ đó giảm triệu chứng trào ngược acid dạ dày lên thực quản. Glycyrrhizin cũng có khả năng tăng cường sự bảo vệ của niêm mạc dạ dày và thực quản.

- Điều trị bệnh đường hô hấp

Cam thảo có tác dụng làm dịu và giảm viêm trên niêm mạc đường hô hấp, giúp giảm các triệu chứng của viêm phế quản, viêm phổi và hen suyễn.

Các hợp chất trong cam thảo cũng có thể giảm tiết các chất gây kích ứng và co thắt đường hô hấp.

- Chữa bệnh sâu răng

Cam thảo có ngọt nhưng lại có khả năng chữa bệnh sâu răng. Nó giúp chống vi khuẩn và giảm vi khuẩn gây sâu răng, từ đó giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh sâu răng. Glycyrrhizin cũng có thể giúp giảm vi khuẩn Streptococcus mutans, một trong những loại vi khuẩn gây sâu răng.

III. Các bài thuốc từ cam thảo

Tuỳ vào mục đích sử dụng mà cam thảo được áp dụng trong nhiều bài thuốc dân gian khác nhau. Ví dụ như:

3.1 Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày

  • Nguyên liệu: 15ml cao lỏng chiết xuất từ cam thảo.
  • Cách dùng: Hoà chung với 200ml nước ấm, ngày uống 4 lần và sử dụng liên tục trong 1-2 tuần để đạt hiệu quả.

3.2 Cam thảo trị ho có đờm, viêm họng

  • Nguyên liệu: 4g bột cam thảo.
  • Cách dùng: Hoà tan với nước ấm và sử dụng. Uống hàng ngày, ngày uống 3-4 lần để có tác dụng.

bài thuốc từ cây cam thảoCảm thảo được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc

3.3 Điều trị khó thở, suy hô hấp

  • Nguyên liệu: 12g cam thảo, 10g đương quy và 8g nhị sâm.
  • Cách dùng: Phơi khô các dược liệu rồi tán thành bột mịn, sau đó chia thành các túi nhỏ 4g. Mỗi lần dùng 1 túi pha với nước ấm để uống. Ngày uống 3-4 lần.

3.4 Hỗ trợ chữa viêm gan, vàng da

  • Nguyên liệu: 5g cam thảo, 2g chè, 10g uất kim và mật ong tươi.
  • Cách dùng: Cho tất cả nguyên liệu vào ấm đun cùng 600ml nước. Đun sôi rồi nhỏ lửa và đun tiếp 20 phút. Uống khi còn ấm và uống trong 1 tháng. Lưu ý, mật ong cho khi nước đã nguội, uống cam thảo cùng mật ong sẽ ngon và kích thích vị giác hơn.

IV. Lưu ý khi sử dụng cam thảo 

Khi sử dụng cam thảo, bạn cần lưu ý các điều sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Sử dụng cam thảo theo liều lượng được khuyến nghị, tác dụng phụ của cam thảo có thể xảy ra khi sử dụng quá liều là tăng huyết áp, giảm kali huyết và gây ra vấn đề về nước và điện giải.
  • Cam thảo có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm các loại thuốc trị đau, thuốc làm giảm cholesterol, thuốc ức chế men chuyển hóa và thuốc chống đông máu. 
  • Cam thảo kỵ khi sử dụng cho người mắc bệnh viêm thận, huyết áp cao, thường xuyên táo bón, nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, ho nhiều, khó thở,...
  • Chọn mua cam thảo từ các nguồn tin cậy và đảm bảo rằng sản phẩm không chứa chất phụ gia hoặc tạp chất có hại.
  • Sử dụng ấm bằng sứ, thủy tinh, gốm để pha trà hoặc sắc thuốc, tránh dùng những dụng cụ bằng kim loại, có thể ảnh hưởng tới dược tính của dược liệu. 
  • Nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe cụ thể nào hoặc đang sử dụng các loại thuốc khác, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng cam thảo để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

uống cam thảo có tăng cân khôngKhông nên sử dụng cam thảo thường xuyên và quá liều

V. Một số câu hỏi khác về cam thảo

Ngoài các vấn đề trên, thì xung quanh cây cam thảo, còn rất nhiều các câu hỏi được đặt ra. Ví dụ như:

5.1 Bà bầu, trẻ sơ sinh uống cam thảo được không?

Trong các trường hợp cụ thể như bà bầu, phụ nữ sau sinh, đang cho con bú và trẻ sơ sinh, việc sử dụng cam thảo nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ. Tốt nhất nên hạn chế sử dụng vì có thể gây xuất tiết các tuyến sữa, dẫn đến tình trạng tắc sữa hoặc giảm lượng sữa.

5.2 Tiểu đường có uống được cam thảo không?

Câu trả lời là . Tuy nhiên, việc sử dụng cam thảo cho người mắc tiểu đường cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ. Mặc dù cam thảo được cho là có thể giúp kiểm soát đường huyết và điều trị một số triệu chứng liên quan đến tiểu đường, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các chỉ số khác như huyết áp và kali huyết. 

5.3 Uống cam thảo hàng ngày có tốt không?

Việc uống cam thảo có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên nếu sử dụng quá thường xuyên có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Cụ thể là xuất hiện các triệu chứng như khát nước, tăng huyết áp, phù nề toàn thân, suy giảm chức năng miễn dịch, thậm chí có dấu hiệu tổn thương tim mạch và thận. Uống cam thảo không nóng nếu bạn biết cách sử dụng hợp lý.

Bên cạnh đó, dùng cam thảo trong thời gian dài hoặc ở liều lượng cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như loãng xương và tăng cân. Tuy nhiên, uống cam thảo có tăng cân không thì câu trả lời là không, chỉ khi bạn sử dụng quá nhiều và không đúng cách thì mới bị.

Tóm lại, cam thảo là dược liệu có tác dụng điều trị một số bệnh và hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Nhưng để tận dụng tối đa hiệu quả của nó và đảm bảo an toàn cho bản thân, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng.

Nguồn bài viết: Tổng hợp

||Tham khảo bài viết khác:

 
Cập nhật lúc: 2024/08/02

Thông tin trên website duocthaiminh.vn chỉ mang tính chất tra cứu, tham khảo. Quý khách vui lòng không tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Dược phẩm Thái Minh sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp tự ý sử dụng thông tin này.