Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Hoàng bá nam là cây gì? Đặc điểm, hình ảnh, chữa bệnh gì?

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Nguyễn Hải Anh

Chuyên khoa: Dược lâm sàng, dược lý, dược liệu, dược bào chế

Nhắc đến những vị thuốc quý trong y học cổ truyền, không thể không kể đến cây hoàng bá nam, hay còn được gọi là núc nác. Loài cây này mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta và được ứng dụng nhiều trong điều trị bệnh. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin chi tiết hơn về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc từ thảo dược hoàng bá nam.

I. Cây hoàng bá nam là cây gì? 

  • Tên thường gọi: Vỏ núc nác, nam hoàng bá, thiều tầng chỉ, bạch ngọc chị, thiên trương chi, lim may, mộc hồ điệp, ung ca, triển giản.
  • Tên khoa học: Oroxylum indicum (L.) Kurz
  • Họ: Chùm ớt (Bignoniaceae)

Hoàng bá nam là cây nhỡ có chiều cao từ 5 - 12cm, thân nhẵn, ít phân cành. Vỏ thân cây màu xám tro còn mặt trong thì có màu vàng.

Lá thường xẻ 2 - 3 lần lông chim, có chiều dài khoảng 1,5m.

Hoa màu nâu đỏ sẫm, mọc thành từng chùm dài ở ngọn thân. Phần đài hình ống cứng, dày và có 5 khía nông. Phần tràng có 5 thuỳ mọc thành 2 môi, hình chuông phình rộng, chỉ có nhị có lông ở gốc và 5 nhị. Hoa thường nở về đêm.

Quả thõng có chiều dài từ 40 - 120cm, chiều rộng từ 5 - 10cm, có các mảnh vỏ đã hóa gỗ. Quả xuất hiện khi cây đã rụng hết phần lá.

Hạt của quả thường dài từ 4 - 6cm.

Cây hoàng bá nam là cây gìHình ảnh cây hoàng bá nam

1.1 Khu vực phân bố

Hoàng bá nam phân bố chủ yếu ở Trung Quốc( Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Quý Châu, Hải Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông), Ấn Độ, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, cây thường mọc hoang và được trồng khắp mọi nơi.

1.2 Thu hái và chế biến

Vỏ núc nác có thể thu hoạch bất kỳ lúc nào, gần như là quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa xuân, hạ. 

Khi thu hái, người ta sẽ tiến hành gọt vỏ trên thân cây còn sống. Vỏ núc nác sau khi thu hoạch về có thể dùng tươi hoặc cắt nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô làm dược liệu. Còn với hạt núc nác sẽ được thu hoạch vào khoảng cuối mùa thu sang đến mùa đông.

Bộ phận sử dụng: Thường dùng vỏ thân của cây phơi khô.

Cây hoàng bá namCây hoàng bá nam có thể thu hoạch quanh năm

1.3 Thành phần hoá học

Trong vỏ cây núc nác chứa một ít tanin, ancaloit và một số dẫn xuất flavonoit ở dạng tự do hay heterozit. Các chất flavonoit thường thấy đó là:

  • Oroxylin A (C6H12O5), có cấu trúc 5-7 dihydroxy 6-methoxy flavon, trọng lượng phân tử là 284. Tinh thể có màu vàng chanh, nhiệt độ nóng chảy 230 – 232°C, tan trong cồn, axeton, benzen nóng, kiềm, ete, axit axetic đặc.
  • Baicalein hay noroxylin (C5H10O5), cấu trúc 5- 6-7 trihydroxyflavon, trọng lượng phân tử 270,2. Tinh thể hình lăng trụ, màu vàng, nhiệt độ nóng chảy từ 264 – 265°C. Tinh thể tan trong ethanol, methanol, ete, axeton, etyl axetat, axit axetic đặc, trong kiềm loãng cho màu vàng thẫm và trong acid sulfuric đặc cho màu vàng có huỳnh quang xanh lục; ít tan trong cloroform, nitrobenzen.
  • Chrysin (C15H10O4) chứa trong vỏ rễ, có cấu trúc 5-7 dihydroxyflavon, trọng lượng phân tử là 254,23. Tinh thể có màu vàng nhạt, nhiệt độ  chảy 276°C, không tan trong nước, tan trong dung dịch kiềm và ít tan trong cồn clorofoc, ete và có thể thăng hoa được.
  • Tetuin là 6 – O – glucoside của baicalein. Tinh thể có màu vàng nhạt, nhiệt độ chảy từ 112 – 114°C.

||Xem thêm: Cam thảo bắc là cây gì? Đặc điểm, hình ảnh, chữa bệnh gì?

II. Tác dụng của cây hoàng bá nam

- Theo y học cổ truyền

Cây hoàng bá nam có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh bàng quang và tỳ. Nhờ vậy, dược liệu này mang lại công dụng thanh nhiệt, sát trùng, giải độc, chỉ khái, chỉ thống. Được sử dụng để chữa các bệnh tiêu chảy, đau dạ dày, viêm nhiễm đường tiết niệu, tiểu ra máu, tiểu buốt, ho, viêm họng, chữa dị ứng hoặc dùng làm thuốc bổ.

Trong dân gian, vỏ núc nác (còn gọi là hoàng bá nam) có thể thay thế cho vị thuốc hoàng bá thực (vỏ thân phơi khô của cây hoàng bá). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tác dụng của hai vị thuốc này có thể không hoàn toàn giống nhau.

Tác dụng của cây hoàng bá namVỏ cây được cắt nhỏ, phơi khô làm dược liệu

- Theo y học hiện đại

Cây hoàng bá nam có tác dụng gì? Hoàng bá nam được cho là sở hữu đặc tính chống dị ứng, góp phần cải thiện sức khỏe và hỗ trợ cơ thể chống lại nhiều tác nhân độc hại. Vỏ thân cây còn có khả năng kháng khuẩn, chống viêm và giảm tính thấm của màng mao mạch (đã được chứng minh qua thử nghiệm trên chuột).

Tại nước ta, cây được bào chế thành dược liệu có tên là Nunaxin dưới dạng viên nén 0,25g. Thuốc này thường được sử dụng để điều trị các bệnh như phát ban, vẩy nến và hen phế quản nhẹ đến trung bình ở trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sản phẩm này không phù hợp cho các trường hợp dị ứng nặng và cấp tính.

Với phần hoa và quả của cây hoàng bá nam thì sẽ lùi quả non rồi bóc phần vỏ bên ngoài, xào để ăn. Phần hạt được dùng để điều trị viêm phế quản, viêm họng và đau thượng vị. Còn riêng phần vỏ dùng chữa viêm gan, viêm bàng quang, đau dạ dày, vảy nến và hen suyễn cho trẻ em.

Theo khuyến cáo, mỗi ngày chỉ nên dùng từ 8 - 16g là đủ. Người dùng có thể sắc, nấu thành cao hoặc chế biến thành bột.

III. Các bài thuốc chữa bệnh từ hoàng bá nam

3.1 Trị đau tức hạ sườn phải, nước tiểu đỏ

 - Nguyên liệu: 16g nam hoàng bá, 12g bạch thược, 12g đan bì, 12g chỉ tử, 16g sài hồ, 12g xa tiền, 12g nhân trần, 16g cỏ mực, 20g rau má, 16g cam thảo đất.

 - Cách thực hiện:

  • Cho hết các vị thuốc trên vào ấm cùng với 1 lít nước.
  • Đun đến khi nước trong ấm cạn còn 400ml thì tắt bếp.
  • Chia nước thành 2 - 3 lần uống trong ngày.

3.2 Trị viêm da ngứa lở

 - Nguyên liệu: 16g nam hoàng bá, 16g kim ngân, 16g kinh giới, 10g phòng phong, 10g chi tử, 16g đinh lăng, 16g sài hồ, 10g xuyên khung, 10g bạch chỉ, 20g sài đất, 16g lá bưởi bung, 10g uất kim, 10g cam thảo.

 - Cách thực hiện:

  • Cho hết các dược liệu trên vào ấm.
  • Đổ thêm khoảng 1 lít nước và đun đến khi cạn còn 400ml.
  • Chia nước thành 2 - 3 lần uống trong ngày.

3.3 Trị bệnh sởi

 - Nguyên liệu: 6g nam hoàng bá, 6g kinh giới, 4g ngân hoa, 5g lá diếp cá, 4g mã đề thảo, 5g sài đất, 4g liên kiều, 4g hoa hồng bạch, 4g sài hồ, 4g đương quy, 4g cam thảo, 4g huyền sâm.

 - Cách thực hiện:

  • Cho các vị thuốc trên vào ấm.
  • Đổ thêm 2 bát nước, đun đến khi cạn còn 1 bát.
  • Chia thành 3 - 4 lần uống trong ngày.
  • Đặc biệt đối với bệnh này, bạn nên kiêng gió, kiêng nước lạnh cho trẻ.

3.4 Trị hội chứng lỵ

 - Nguyên liệu: 20g hoàng bá nam, 12g hoàng liên, 16g khổ sâm, 20g cỏ sữa, 20g lá nhót, 16g hoài sơn, 16g liên nhục, 12g bạch truật, 12g chích thảo, 20g cỏ mực.

 - Cách thực hiện:

  • Cho tất cả nguyên liệu vào ấm và sắc lấy nước uống.
  • Mỗi ngày dùng 1 thang.

3.5 Chữa bệnh trĩ

 - Nguyên liệu: 12g hoàng bá nam, 12g kinh giới, 12g ngũ bội tử, 4g phèn phi.

 - Cách thực hiện:

  • Đem dược liệu sắc lấy 300 - 400ml nước.
  • Để nguội rồi dùng ngâm hậu môn hàng ngày.

3.6 Chữa dị ứng, mẩn ngứa

 - Nguyên liệu: 30g nam hoàng bá.

 - Cách thực hiện: 

  • Lấy nam hoàng bá sắc với 400ml nước.
  • Đun đến khi cô đọng lại còn 100ml thì tắt bếp.
  • Cho thêm 1 ít đường khuấy đều.
  • Thực hiện uống ngày 2 lần.

Những thông tin trên đây về cây hoàng bá nam chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn có ý định áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ loại thảo dược này, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tránh lạm dụng hay tự ý sử dụng mà không có sự theo dõi của chuyên gia y tế.

||Tham khảo bài viết khác:

Cập nhật lúc: 2024/07/04

Thông tin trên website duocthaiminh.vn chỉ mang tính chất tra cứu, tham khảo. Quý khách vui lòng không tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Dược phẩm Thái Minh sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp tự ý sử dụng thông tin này.