Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Cây sâm cau là cây gì? Đặc điểm, hình ảnh, chữa bệnh gì?

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Nguyễn Hải Anh

Chuyên khoa: Dược lâm sàng, dược lý, dược liệu, dược bào chế

Cây sâm cau vị thuốc quen thuộc trong đông y với hàng loạt công dụng khác nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết tác dụng cũng như các bài thuốc chữa bệnh từ sâm cau ra sao. Do đó để hiểu hơn về dược liệu này cũng như cách dùng đúng cách thì đừng bỏ qua những thông có trong bài viết dưới đây.

I. Thông tin cơ bản về sâm cau

- Tên thường gọi: sâm cau 

- Tên gọi khác trong dân gian: ngải cau 

- Tên khoa học: Curculigo Orchioides Gaertn

- Đặc điểm tự nhiên: 

  • Sâm cau là thực vật thân thảo sống lâu năm với chiều cao trung bình của cây từ 20 - 30cm. 
  • Rễ cây dài hình trụ, mọc thẳng, có phân nhánh thành nhiều rễ con giống với loại cây thân rễ. 
  • Lá cây màu xanh mọc xúm lại xuất phát từ củ rễ, có nhiều nếp xếp với nhau gần giống lá cau, hình mũi mác thon dài, đầu nhọn, mặt nhẵn có các gân mọc nổi. 
  • Hoa mọc màu trắng thường mọc ở kẽ lá, tràng hoa có 3 cánh nhẵn, nhị hoa ngắn, bầu hoa hình thoi và có lông. 
  • Quả nang dài từ 1,2 - 1,5cm. Bên trong quả có hạt, mỗi quả có từ 1 - 4 hạt. 
  • Thông thường mùa hoa sâm cau thường xuất hiện vào tháng 5 - tháng 7 hàng năm.

sâm cauHình ảnh cây sâm cau rừng

- Bộ phận sử dụng

Phần thân rễ cây là bộ phận được sử dụng nhiều nhất trong đông y. Rễ có thể cho thu hoạch quanh năm nhưng thời gian thu hoạch tốt nhất là vào mùa thu. 

Sau khi thu hoạch về người ta sẽ cắt bỏ rễ con, cạo vỏ ngoài, rửa sạch rồi ngâm với nước gạo để loại bỏ độc tố có trong rễ. Cuối cùng đem phơi khô và điều chế thành thuốc chữa bệnh tùy theo mục đích sử dụng. 

- Phân bố

Thuộc loại cây ưa sáng, mọc hoang tại các vùng đồi núi ở Lâm Đồng, bên cạnh đó dược liệu này cũng xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên…..

- Thành phần hóa học 

Theo nghiên cứu trong thân rễ sâm cau có nhiều thành phần hoạt chất khác nhau có thể kể tới như: tinh bột, chất nhầy, tanin, acid béo, stigmasterol, beta-sitosterol, cycloartan và hoạt chất flavonoid.

II. Cây sâm cau có tác dụng gì? 

2.1 Theo đông y 

Theo y học cổ truyền sâm cau có vị thơm, tính ấm được quy vào kinh Can, Tỳ, Thận. Mang đến công dụng bổ thận, tráng dương, táo thấp, ôn trung, mạnh gân cốt, tán ứ, trừ hàn thấp, điều hòa tiêu hóa. 

Chủ trị: yếu sinh lý, tinh lạnh, liệt dương, tiểu tiện không tự chủ, lưng lạnh, chân tay lạnh. 

2.2 Theo y học hiện đại

Không chỉ có tác dụng trong đông y mà theo y học hiện đại sâm cau cũng là dược liệu mang đến nhiều hiệu quả chữa bệnh khác nhau nhưng nổi bật nhất là: tăng cường chức năng hệ miễn dịch, tăng khả năng thích nghi của cơ thể ở nhiều môi trường khác nhau nhất là môi trường thiếu oxy, cải thiện chức năng tim mạch, chống oxy hóa, giúp giãn mạch vành…. 

III. Các bài thuốc kinh nghiệm từ sâm cau 

3.1 Bài thuốc hỗ trợ điều trị liệt dương, phong thấp, bổ thận tráng dương, suy nhược thần kinh

Cây sâm cau có tác dụng gìSâm cau rừng ngâm rượu hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp

Uống rượu sâm cau có tác dụng gì? Uống rượu sâm cau cũng là một trong những phương pháp hiệu quả giúp cải thiện bệnh liên quan đến sinh lý và bệnh suy nhược thần kinh. Cụ thể:

- Bài thuốc 1

Chuẩn bị: 

  • 1kg sâm cau khô cắt mỏng đã sao vàng 
  • 200ml mật ong 
  • 4 lít rượu trắng 

Cách thực hiện: Ngâm rượu sâm cau vừa chuẩn bị, thời gian ngâm từ 1 tháng là có thể sử dụng. 

- Bài thuốc 2

Chuẩn bị: 

  • 1kg sâm cau khô 
  • Dâm dương hoắc, ba kích mỗi loại 0,5 kg 
  • 200ml mật ong + 5 lít rượu trắng 

Cách thực hiện: ngâm các dược liệu vừa chuẩn bị trên với rượu trắng, rượu thuốc có thể uống sau 1 tháng ngâm.

- Bài thuốc 3

Chuẩn bị: 

  • Rễ sâm cau tươi 1kg 
  • 3 lít rượu trắng (loại có nồng độ cồn 45 độ). 

Cách thực hiện: rễ sâm cau khi thu hoạch về bạn cần rửa sạch, bỏ lớp vỏ ngoài rồi ngâm với nước vo gạo 1 đêm. Tiếp theo ngâm sâm cau với rượu vừa chuẩn bị, sau 10 ngày ngâm có thể uống, mỗi ngày uống 2 lần mỗi lần chỉ uống 1 chén nhỏ. 

Lưu ý: Vì rễ sâm cau chứa rất nhiều nước vì thế quá trình ngâm rượu sâm cau bạn nên chọn loại rượu có nồng độ cồn cao. Bởi nếu ngâm với nồng độ cồn thấp rất dễ làm rượu thuốc bị hỏng. 

3.2 Bài thuốc giúp bổ khí huyết, khai trừ phong thấp, tăng cường sinh lực 

Chuẩn bị: 

  • 250g thịt gà
  • Sâm cau + dâm dương hoắc mỗi loại 15g 

Cách thực hiện đơn giản bạn chỉ cần sơ chế rửa sạch thịt gà, cắt thành nhiều miếng nhỏ rồi hầm cùng vị thuốc vừa chuẩn bị. Đợi khi gà chín mềm hãy nêm nếm gia vị vừa ăn, ăn khi còn nóng để món ăn đạt hiệu quả cao nhất.

Thực hiện bài thuốc này rất lợi cho nam giới, người đang bị thận hư hoặc mắc chứng rối loạn cương dương, người cao tuổi bị đau nhức mỏi khớp gối. 

3.3 Bài thuốc bổ thận tráng dương, điều trị yếu sinh lý do tinh dịch bất thường 

Chuẩn bị: 200g thịt lợn + 15g sâm cau cùng với đó các gia vị nêm nếm theo nhu cầu. 

Cách thực hiện: thịt lợn rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn, ướp gia vị rồi đem hầm với sâm cau. Đun trên lửa vừa cho tới khi thịt chín nhừ. Ăn món ăn khi còn nóng để đạt công dụng cao nhất. 

3.4 Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp toàn thân 

Chuẩn bị: 

  • Rễ sâm cau, hy thiêm thảo, hà thủ ô đỏ mỗi vị 20g 
  • 500ml rượu trắng

Cách thực hiện: đem tất cả nguyên liệu trên rửa sạch, cắt nhỏ ngâm với rượu trắng. Sau 7 - 10 ngày có thể sử dụng. Ngày uống 2 lần mỗi lần tối đa 30ml, uống trước mỗi bữa ăn. 

Bài thuốc từ cây sâm cauLà dược liệu hàng đầu cho sức khỏe

3.5 Bài thuốc cải thiện chứng rối loạn thần kinh 

Chuẩn bị: 

  • 20g sâm cau 
  • Trâu cổ, ngưu tất, sâm bố chính, câu kỷ tử, thạch hộc, tục đoạn, ba kích thiên, hoài sơn mỗi loại 12g
  • Ngũ gia bì, nữ trinh tử mỗi loại 8g

Cách thực hiện: 

  • Toàn bộ dược liệu trên đem rửa sạch, thái thành từng lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. 
  • Cuối cùng sắc với 750ml nước trên lửa vừa cho tới khi thuốc cạn còn 300ml. Chia thuốc thành 2 - 3 lần uống mỗi ngày và uống trước mỗi bữa ăn. 

3.6 Bài thuốc hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết 

Chuẩn bị: 

  • 20g sâm cau  
  • 12g cỏ mực 
  • 10g trắc bá diệp 
  • 8g chi tử

Cách thực hiện: 

  • Sao đen sâm cau, trắc bá diệp, chi tử. Tiếp theo sắc toàn bộ vị thuốc vừa chuẩn bị với 600ml, khi thuốc cạn còn 200ml tắt bếp và chia đều thành 2 -  3 lần uống trong ngày. 

IV. Lưu ý khi sử dụng sâm cau 

Không thể phủ nhận tác dụng của cây sâm cau rừng đối với cơ thể tuy nhiên sử dụng sai cách nó vẫn có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Do đó để đảm bảo an toàn khi sử dụng sâm cau bạn nên: 

  • Sâm cau chỉ phù hợp đối với người bị yếu sinh lý, người bị liệt dương, người vô sinh, bệnh nhân đang điều trị chứng suy giảm chức năng tình dục, người già thường xuyên bị tê mỏi đau nhức xương khớp hoặc đối với những người có nhu cầu tăng cường khả năng sinh lý.  
  • Không dùng với người bị âm hư hỏa vượng bởi sâm cau có tính táo nhiệt dễ làm bệnh thêm nghiệm trọng hơn đặc biệt với người có các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, khô miệng, nóng bàn chân, ra mồ hôi trộm, mất ngủ, sốt về chiều…. 
  • Cân nhắc đối với người bị suy nhược cơ thể, thể trạng yếu. 
  • Tuyệt đối không dùng sâm cau với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. 

Có thể thấy cây sâm cau mang đến nhiều lợi ích chữa bệnh tốt, tuy nhiên ngoài tính dược lý nó vẫn có thể gây độc tố có hại đến sức khỏe. Chính vì thế hãy dùng sâm cau đúng liều lượng, đúng đối tượng để đạt hiệu quả chữa bệnh cao nhất.

||Tham khảo bài viết khác:

 
Cập nhật lúc: 2024/06/11

Thông tin trên website duocthaiminh.vn chỉ mang tính chất tra cứu, tham khảo. Quý khách vui lòng không tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Dược phẩm Thái Minh sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp tự ý sử dụng thông tin này.