Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Cây sổ (Sổ bà) – Vị thuốc chữa ho, sốt, phù thũng, đầy bụng

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Nguyễn Hải Anh

Chuyên khoa: Dược lâm sàng, dược lý, dược liệu, dược bào chế

Cây sổ (hay còn gọi là Sổ bà) không chỉ là loài cây ăn quả mà còn được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh như ho, sốt, phù thũng, đầy bụng. Dược liệu này thường được dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu cao.

Cây sổ – Vị thuốc chữa ho, sốt, phù thũng, đầy bụng

Cây sổ – Vị thuốc chữa ho, sốt, phù thũng, đầy bụng

Cây sổ là cây gì?

  • Tên tiếng Việt: Sổ bà, Thiếu biêu, Co má sản (Thái)
  • Tên khoa học: Dillenia indica L.
  • Họ: Sổ (Dilleniaceae)

Đặc điểm cây sổ

  • Là cây thân gỗ, cao từ 15 - 20m, vỏ thân xù xì, có vết sẹo của lá bình lưỡi liềm. 
  • Lá hình bầu dục có 2 đầu nhọn, mép khía răng cưa đều, phiến lá dài từ 13 - 30cm, rộng từ 5 - 10cm, 15 – 23 đôi gân nổi rõ ở mặt dưới.
  • Hoa sổ bà có màu trắng, đường kính khoảng 10cm. Hoa thường mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống to, có phủ lông. Hoa sổ bà có tràng 5 cánh, cánh lớn hơn đài, đài có 5 bản dày.
  • Quả sổ bà to, tròn, đường kính khoảng 10cm, có màu vàng xanh khi còn non, phát triển mang theo đài. Lá đài to, dày và mọng nước, bao bọc thành quả già. Lá đài có vị chua, có thể ăn sống hoặc nấu canh. Quả già có màu vàng nâu. 

Hình ảnh cây sổ

Hình ảnh cây sổ

Phân bố, thu hái và chế biến

  • Phân bố: Cây mọc hoang ở vùng núi rừng, đặc biệt dọc ở các bờ sông, bờ suối. Cây rất sai quả, phần ăn được của quả chính là phần lá đài tồn tại và phát triển thành bản mọng nước. 
  • Làm thuốc: Hái lá về dùng tươi hoặc phơi, sấy khô hoặc sao khô thơm để sử dụng. Mùa thu hái lá gần như quanh năm. 

Thành phần hóa học của sổ bà

  • Phần ăn được của cây sổ là quả, quả sổ chứa tới 86,4% nước, 10% chất không tan cùng một ít tanin, glucoza, axit malic. 
  • Lá cây sổ có chứa nhiều tanin cùng các thành phần hóa học khác, nó có tác dụng giải độc khác. 
  • Hoạt chất khác chưa rõ.

Cây sổ có tác dụng gì?

Sổ bà có tính bình, vị chua, hơi chát

Sổ bà có tính bình, vị chua, hơi chát

Theo y học cổ truyền

–  Tính vị: Sổ bà có tính bình, vị chua, hơi chát

Trong Đông y, quả sổ bà có tác dụng giải khát, lá có tác dụng giải độc, trị ho, thu liễm và phù thũng. Mặt khác, dược liệu này còn có công dụng nhuận tràng, chữa sốt, đái dầm, ngộ độc thức ăn.

Ở Trung Quốc, vỏ thân cây và rễ cây được dùng để chữa sốt rét. Ở Ấn Độ, quả ép lấy nước trộn với đường nấu, cô đặc thành dạng mứt và chế thành thuốc. Hay vùng Mizoram Ấn Độ, dịch ép của lá, vỏ được dùng để điều trị ung thư, tiêu chảy. Lá vỏ cây còn được dùng làm thuốc nhuận tràng, săn se niêm mạc ruột.

Theo y học hiện đại

Thành phần của sổ bà có chứa chất chống oxy hóa, chống đái tháo đường và chống bệnh bạch cầu.

Hoạt chất acid betulinic và 3,5,7-trihydroxy-2- (4-hydroxybenzyl) -chroman-4-one) từ chiết xuất cồn của cây sổ có khả năng chống đái tháo đường, chống oxy hóa và chống bệnh bạch cầu. 

Liều dùng

  • Quả sổ được dùng ăn thay những quả chua, có thể làm mứt, pha nước uống mát.
  • Lá được dùng trong nhân dân làm thuốc giải độc, chữa ho, sốt, phù thũng, đầy bụng. Ngày dùng 10-20g lá dưới dạng thuốc sắc hay nấu thành cao.

Sổ bà được dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao. Tùy thuộc vào mức độ bệnh tình cũng như cơ địa mỗi người mà liều dùng không giống nhau. Tuy nhiên, liều lượng giới hạn mỗi ngày là 30 – 40 gram lá sổ tươi và 8 – 16 gram lá sổ khô.

>> Xem thêm:

Bài thuốc chữa bệnh từ sổ bà theo kinh nghiệm dân gian

Bài thuốc dân gian từ cây sổ bà

Bài thuốc dân gian từ cây sổ bà

Thực phẩm

Quả sổ có thể dùng để ăn sống hoặc ép lấy nước để làm giải khát, nấu canh chua. 

Điều trị chứng đái dầm và ngộ độc thức ăn

Dùng 30 - 40g lá cây sổ tươi đem rửa sạch, để ráo, giã nát. Sau đó, gạn lấy nước chia thành 2 lần và uống trong ngày. Kiên trì sử dụng từ 5 - 7 ngày sẽ cải thiện được triệu chứng đái dầm.

Ngoài ra, uống nước sắc lá sổ cũng góp phần giảm cơn đau dạ dày do tình trạng ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, trong trường hợp ngộ độc ở mức độ nặng, sau khi cho uống nước thuốc thì người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để làm sạch ruột.

Trị chứng đầy bụng, ho, phù thũng hoặc sốt

Người bệnh sử dụng 8 - 16g lá sổ khô đem sắc chung với 400ml nước. Khi thuốc cạn còn khoảng 100ml thì tắt bếp và lọc thuốc uống. Ngoài ra, người bệnh có thể nấu thuốc thành cao để sử dụng dần.

>> Xem thêm: TOP 3 bài thuốc làm tiêu dịch ổ bụng hiệu quả, theo dân gian

Lưu ý khi sử dụng cây sổ làm dược liệu

Cũng như những loại dược liệu khác, chỉ nên dùng sổ bà với liều lượng vừa đủ, không dùng quá liều để tránh gặp phải tác dụng không mong muốn. Nếu có bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nào bất thường khi dùng sổ bà cần ngưng sử dụng ngay lập tức và liên hệ trung tâm y tế để được sơ cứu kịp thời.

Trên đây là những thông tin về đặc điểm, tác dụng và một số bài thuốc về cây sổ. Lưu ý, bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm về cách dùng người bệnh cần liên hệ với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.

Xem thêm: 

Cập nhật lúc: 2024/06/07

Thông tin trên website duocthaiminh.vn chỉ mang tính chất tra cứu, tham khảo. Quý khách vui lòng không tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Dược phẩm Thái Minh sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp tự ý sử dụng thông tin này.