Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Cây Vọng Cách là cây gì? Đặc điểm, hình ảnh, chữa bệnh gì?

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Nguyễn Hải Anh

Chuyên khoa: Dược lâm sàng, dược lý, dược liệu, dược bào chế

Từ xa xưa, ông cha ta đã biết sử dụng các loại cây cỏ thiên nhiên để chữa bệnh và làm gia vị cho món ăn. Một trong những loại cây quen thuộc và dễ kiếm nhất là cây vọng cách. Thường dùng để điều trị các bệnh lý vàng da do tổn thương gan và làm lá ăn gỏi cá tại nhiều địa phương. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trong quá trình dùng và nắm rõ công dụng cụ thể, đừng bỏ qua bài này của Dược Thái Minh nhé.

I. Cây vọng cách là cây gì?

Cây Vọng Cách họ cỏ roi ngựa, được gọi với nhiều tên khác nhau như cây cách, bọng cách, cách núi, lá cách,...

  • Tên khoa học: Premna serratifolia
  • Giới (regnum): Plantae
  • Họ (familia): Lamiaceae
  • Loài (species): P. serratifolia

Cây mọc hoang nhiều ở Việt Nam và Campuchia, Lào. Đôi khi người ta còn tìm thấy ở Indonesia, Mangat, Ấn độ,...

1.1 Đặc điểm hình thái

Cây Vọng Cách thuộc giống cây bụi nhỏ, mọc thẳng, cao khoảng 5 - 7m, có cây lên tới 10m. Thân có nhiều gai nhọn và lông mịn, cành già nhẵn, phân nhánh nhiều, có rãnh cùng lỗ bì. Lá vọng cách mọc đối, mỏng với nhiều hình dạng như hình elip rộng, hình trứng hoặc hình thuôn dài. Lá dài 12 - 16cm, rộng 5 - 10cm, góc tròn, đầu hơi hình tim, mặt trên nhẵn, nổi gân rõ, mặt dưới nhạt có lông mịn trên gân, 2 bên mép nguyên, khi vò lá sẽ có mùi thơm như chanh nên lá thường dùng làm gỏi cá.

cây vọng cáchHình ảnh cây vọng cách

Cụm hoa mọc ở ngọn tạo thành hình ngù dài 10 - 15cm, hoa màu trắng, đôi khi ngả sang xanh lục. Hoa có mùi hơi khó chịu, ở cuối có hình chụy, thường nở vào khoảng thời điểm từ tháng 4 - 6. 

Quả hạch có hình cầu hoặc hình trứng, dài 4mm, ban đầu có màu xanh sau chuyển dần sang xanh lục, bên trong có rãnh và xương.

1.2 Bộ phận dùng và thành phần hóa học

Bộ phận thường được dùng làm thuốc là lá, rễ và cành cây vọng cách. Toàn cây có mùi hơi khó chịu, nhưng lá mùi rất thơm như chanh, rễ cây vị đắng và có mùi dễ chịu do chứa nhiều tinh dầu. Vỏ cây chứa 2 alkaloid quan trọng là ganiarin và premnin. Chúng có tác dụng tương tự như thần kinh giao cảm, làm tăng sức co bóp cơ tim và giãn đồng tử. Bên cạnh đó trong lá chất chứa một số hoạt chất quan trọng như tanin, flavonoid, alkaloid và glycosid tim.

1.3 Phân bố thu hái và chế biến

Cây cách chủ yếu phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt nam, đây là cây thuốc quá quen thuộc với người dân đồng bằng và trung du, nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương,...

Cây ưa sáng và ẩm nhưng vẫn chịu nổi hạn nên hay mọc xen lẫn cùng nhiều cây bui khác quanh làng, dọc bờ đê hay nương rẫy. Cây sinh trưởng mạnh mẽ vào mùa xuân - hè, ra hoa đậu quả nhiều, có thể tái sinh tự nhiên bằng hạt. Đặc biệt hơn hết là nó còn có thể tái sinh sau khi bị chặt đốn.

Nhiều nhà dân đã trồng cây làm cảnh, lấy lá non làm gia vị trong nhiều món ăn.

II. Tác dụng của cây vọng cách đối với sức khỏe

Đối với Y học cổ truyền, cây có vị đắng, hăng thơm, tính mát nên có tác dụng trị sốt, bệnh đường tiêu hóa. Với các nước Đông Nam Á, từ lâu Vọng cách đã được ứng dụng làm thuốc lợi tiểu, trung tiện, tiêu chảy, dạ dày, viêm phế quản, đau đầu,...

Rễ và lá được dùng nhiều ở Việt nam, Lào, Campuchia, Thái lan để làm thuốc hạ sốt, bổ dạ dày. Indonesia sẽ dùng làm thuốc lợi sữa, thấp khớp. Như Ấn Độ sẽ dùng để nhuận trường, trợ tim, trị sốt dai dẳng.

Ngày nay, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thành phần hoạt chất trong dược liệu và chỉ ra một số tác dụng sau:

2.1 Hỗ trợ bảo vệ gan

Lá vọng cách có tác dụng gì? Nó có chứa một thành phần có tên là ethanol với công dụng tăng khả năng khử độc của gan và kích thích tái tạo lại tế bào gan. Kèm theo đó là khả năng hỗ trợ gan chống lại các tổn thương như men gan tăng cao. 

Trên một mô hình thí nghiệm trên chuột đã gây viêm gan bằng paracetamol, dịch chiết từ dược liệu này có thể làm giảm nồng độ men gan cao và hạn chế tổn thương tế bào gan.

cây vọng cách có tác dụng gìCây cách có tác dụng bảo vệ gan

2.2 Chống oxy hóa

Khi tiến hành nghiên cứu invivo và invitro, họ đã phát hiện được khả năng dọn dẹp các gốc tự do của dịch chiết dược liệu, từ đó cải thiện được tình trạng stress oxy hóa của tế bào. Đây là yếu tố giúp cơ thể bảo vệ trước bệnh tật, nhiễm trùng và sự mất cân bằng dinh dưỡng.

2.3 Hỗ trợ chống đái tháo đường

Cây vọng cách có tác dụng gì? Lúc đầu tiến hành trên chuột bình thường, người ta thấy rằng dịch chiết dược liệu này có thể làm hạ đường huyết. Sau đó thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh bị đái tháo đường, thì kết quả cho thấy dịch chiết rễ cây cách có thể kiểm soát đường huyết.

2.4 Cường giao cảm

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên ếch cho thấy ganiarin và premnin có thể gây tác dụng co mạch, tăng co bóp cơ tim và dẫn đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó Premnin cũng gây giãn đồng tử, nên khi sử dụng dược liệu phải cực kỳ cẩn thận.

2.5 Kháng viêm và giảm đau

Trên mô hình thí nghiệm chuột gây đau cấp tính, dịch chiết từ cây cách có khả năng giảm đau đáng kể, có thể thấy tiềm năng thay thế các thuốc giảm đau khác trong tương lai.

2.6 Thanh nhiệt giải độc

Nhiều người sử dụng lá cây cách để làm trà nhằm thanh nhiệt giải độc, nhờ vậy có thể ngăn ngừa cảm giác nóng trong người, ngăn ngừa nổi mụn, nhiệt miệng.

2.7 Điều hòa kinh nguyệt

Khi sử dụng lá để uống, có thể giúp điều hòa tình trạng rối loạn kinh nguyệt và cải thiện hiện tượng tắc kinh, chậm kinh.

cây vọng cách tác dụng gìDược liệu có tác dụng điều hòa kinh

2.8 Thông tiểu tiêu độc

Dược liệu này còn có thể giúp đào thải sỏi ra ngoài cơ thể, song nó cũng có tác dụng tiêu độc và làm giảm tác dụng phụ mà thịt bò gây nên.

III. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ cây cách

Liều dùng được khuyến cáo hằng ngày là 30 - 40g dược liệu lá tươi hoặc 15 - 20g rễ cây. Dưới đây là các bài thuốc phổ biến từ vọng cách mà người bệnh có thể tham khảo:

  • Bài thuốc chữa kiết lỵ: Dùng 30 - 40g lá cách tươi đã được rửa sạch, đem vò nát rồi thêm ít nước sôi để nguội và khuấy đều. Vắt lấy nước, bỏ bã rồi thêm lượng đường thích hợp. Ngày uống khoảng 30ml, trẻ em dùng ½ liều trên. Nếu có thể dùng lá sao vàng hoặc phơi khô đều được.
  • Bài thuốc thông tiểu: Dùng 30g lá vọng cách, 20g râu ngô, 10g mã đề. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc trị nhức mỏi: Dùng 30g lá vọng cách, 20g cành dâu tằm, 10g cỏ mần trầu. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt: Dùng 30g lá vọng cách, 20g ích mẫu, 10g ngải cứu. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa đau bụng sau ăn, ăn không tiêu và sốt: Dùng 20g rễ cách tươi sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc điều trị hậu sản vàng da: Dùng 12g mỗi vị lá cách, cối xay, nhân trần, sắc lấy nước uống.

IV. Lưu ý khi sử dụng lá cách

Khi sử dụng cây cách để chữa bệnh hoặc làm gỏi cần chú ý một số điều sau:

  • Sử dụng cây vọng cách quá liều lượng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu. Do đó cần phải uống theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Dược liệu có thể gây co thắt tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Do đó, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng.
  • Cây cách có tác dụng hạ huyết áp, do đó, người có huyết áp thấp không nên sử dụng.
  • Nó có thể tương tác với một số loại thuốc tây, do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc tây nào.
  • Không uống thường xuyên, không thay thế nước lọc vì có thể gây huyết áp cao và cường thần kinh giao cảm.
  • Không ăn cùng trứng, thịt chó, đường trắng và mỡ
  • Có thể ăn kèm với bánh khọt, bánh xèo và chấm cùng nước kho. Ngoài ra luộc hoặc nhúng lẩu đều được. 

Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về công dụng và những lưu ý khi sử dụng cây vọng cách . Loài thực vật này không chỉ là một thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn mà còn là dược liệu với nhiều công dụng tuyệt vời. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để hạn chế gặp tác dụng phụ.

||Tham khảo bài viết khác:

Cập nhật lúc: 2024/03/21

Thông tin trên website duocthaiminh.vn chỉ mang tính chất tra cứu, tham khảo. Quý khách vui lòng không tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Dược phẩm Thái Minh sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp tự ý sử dụng thông tin này.