Dược Thái Minh

Tư vấn ngay: 1800 1032 (Miễn cước)

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Công dụng bất ngờ đến từ vị thuốc cay nóng Ngô thù du

Thẩm định bởi:

Dược sĩ Nguyễn Hải Anh

Chuyên khoa: Dược lâm sàng, dược lý, dược liệu, dược bào chế

Khi nhắc tới Ngô thù du, chắc hẳn nhiều người đều biết đến nó với công dụng là làm tăng thêm hương vị cho nhiều món ăn của mỗi gia đình. Nhưng ít ai biết, loài thảo dược này còn có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa hay bệnh lý về đường ruột. Do đó để có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm, tác dụng và cách sử dụng vị thuốc này sao cho hiệu quả, hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé. 

cây ngô thù duTìm hiểu về dược liệu Ngô thù du

Tìm hiểu chung về Ngô thù du

Ngô thù du có tên khoa học là Tetradium ruticarpum (A. Juss.) Hartl, được người dân địa phương gọi với nhiều cái tên khác nhau như Ngô thù, Thù du, xà lát,...Cây có nguồn gốc từ Trung quốc, sau đó được phân bố sang một số vùng cao ở Việt nam như Cao Bằng, Lạng Sơn. 

Đặc điểm hình thái

Cây ngô thù du thuộc loại cây gỗ nhỏ, có chiều cao trung bình từ 2,5 - 5m. Khi nhìn vào, bạn sẽ thấy cành cây có màu nâu đôi khi màu có pha thêm chút tím. Khi cành còn non sẽ được phủ lên một lớp lông mịn dài, nhưng về già lông sẽ rụng đi và chỉ còn lại những bì khổng trên mặt cành.

Lá cây mọc đối kép lông chim, cuống và lá dài tầm khoảng 15 - 35cm, mỗi lá có 2 - 5 lá chét. Mỗi lá chét chỉ dài 5 - 15cm, rộng 2,5 -5cm. Đầu lá chét hơi nhọn, dài, mép nguyên. Đặc biệt 2 mặt của lá đều phủ lớp lông nâu mịn, mặt dưới nhiều hơn mặt trên, khi ánh sáng đi qua sẽ thấy các điểm tinh dầu.

dược liệu ngô thù duĐặc điểm hình thái của ngô thù du

Hoa ngô thù đơn tính, khác gốc, mọc thành cụm hoa ở đầu cành, dạng xim ngù. Hoa nhỏ, nhiều, chủ yếu là màu trắng, đôi khi sẽ có những bông hoa mang màu vàng nhạt.

Quả có hình cầu dẹt, đường kính 6mm, dài 3cm và thường gồm tầm 5 lá noãn. Khi chưa chín sẽ có màu xanh, còn lúc chín có mang lớp áo màu đỏ tím, trên bề mặt có điểm tinh dầu. Mỗi ô quả có dạng quả trứng dài 5 - 6mm, rộng 4mm, màu đen bóng. Mùa ra hoa là từ tháng 6 đến tháng 8, mùa quả là tháng 9, 10.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Bộ phận dùng của cây ngô thù là quả lúc chưa chín. Quả được chọn là những quả sắc xám, rắn thơm hắc. Ngoài ra rễ, thân, hoa cũng được dùng để chữa bệnh hàn đi vào cơ thể. Bên cạnh đó vỏ cây còn có thể trị độc nhiệt.

Quả được thu hái vào tháng 9, 10 khi còn đang màu xanh hoặc ngả vàng, chưa tách ra thì đã hái lấy, sau đó đem về phơi nắng cho tới khi khô. Nếu trời âm u thêm đi sấy.

Chế biến: Quả sống sau khi hái về sẽ đem đi rửa sạch để loại bỏ cành, lá và tạp chất. Sau đó sẽ đem đi phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ từ 40 - 50 độ C. Cuối cùng sẽ đem đi bào chế bằng cách:

  • Nấu nước sôi nóng rồi rửa lại 7 lần để tẩy đi vị đắng nồng của dược liệu, rồi sấy khô và dùng.
  • Theo Trung dược đại từ điển: Đầu tiên sẽ đem cam thảo sắc lấy nước, bỏ bã. Sau đó cho ngô thù vào tầm và sao se, bước cuối là đem đi phơi khô. Với 100kg ngô thù tương ứng sẽ dùng 6,4kg cam thảo.

Thành phần hóa học

Trong loài thảo dược này có trên 0,4% tinh dầu. Theo J. Amer Pharm Ass (1933), chúng bao gồm: evodin, evoden C11H16 hoặc oximen C10H10, obakulacton C26H30O8 và 3 alkaloid (wuchuyin C13H13N3O, evodiamine C19H17N3O và rutaecarpine C18H18N3O).

Ngoài ra còn có chứa 2 nhóm alkaloid chính là quinoline alkaloid và indole alkaloid. Bên cạnh đó, chất Rutaecarpin sẽ phân giải thành rutamin với cấu trúc hóa hoc là indol etylamin nhân indoxyl.

Công dụng của ngô thù du đối với sức khỏe

Công dụng của ngô thù du trong Đông y không chỉ một mà có khá nhiều. Ngô thù du là vị thuốc có vị cay, đắng, tính ôn, hơi độc, quy vào 4 kinh là can, tỳ, thận và vị. Do đó từ lâu đã được ứng dụng để điều trị một số tình trạng như đau bụng, nôn mửa, ăn không tiêu, đau đầu. Ngoài ra dược liệu còn dùng trong trường hợp đau lưng, tê tay, cảm lạnh đau răng.

ngô thù du dược liệuNgô thù du có tác dụng giảm đau bụng, tiêu chảy

Theo Y học hiện đại, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và cho ra những kết quả đáng bất ngờ về công dụng của ngô thù đối với sức khỏe, cụ thể như sau:

  • Cải thiện hệ tiêu hóa

Vị thuốc Ngô thù du có tác dụng hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, giúp người bệnh ăn uống ngon miệng, tiêu hóa tốt, trị các chứng ăn uống không tiêu, đau bụng, đầy bụng, nôn mửa, tiêu chảy, cước khí đau đầu.

  • Có tác dụng kháng khuẩn

Quinolone alkaloid trong dược liệu có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn M.smegmatis, Mycobacterium fortuitum và M.phlei. Điều này có thể tiền đề để điều trị bệnh lao. Ngoài ra các loại tinh dầu được phân tách có đặc tính kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis. 

  • Tác dụng chống buồn nôn

Tinh dầu thơm chứa bên trong thù du có tác dụng ức chế hoạt động của các loại men bất thường, từ đó giúp cầm nôn. Tác dụng này sẽ tăng hiệu quả hơn nếu kết hợp cùng sinh khương.

vị thuốc ngô thù duNgô thù du có tác dụng giảm buồn nôn hiệu quả

  • Hỗ trợ chống khối u

Theo một số nghiên cứu invivo và in vitro đã chỉ ra rằng, evodiamin có trong thù du đem đến tác dụng hỗ trợ chống lại một số dòng tế bào ung thư bằng cách bắt giữ chu kỳ tế bào, ức chế sự di cư và xâm lấn, đồng thời ngăn ngừa hình thành mạch.

  • Tác dụng bảo vệ tim mạch

Theo một số nghiên cứu, các alkaloid trong ngô thù có thể điều chỉnh được quá trình vận chuyển của cholesterol và chuyển hóa oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và bệnh xơ vữa động mạch.

Các bài thuốc có chứa Ngô thù du

Về liều lượng, Ngô thù du chỉ nên dùng 1 - 3g nếu ở dạng bột hoặc 4 - 6g dạng sắc. Nếu dùng quá liều sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không đáng có, nên để đảm bảo an toàn người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ y học cổ truyền trước khi dùng. Dưới đây là một số bài thuốc mà bạn có thể tham khảo:

  • Bài thuốc chữa nôn mửa: Sắc 5g thù du cùng với 2g can khương vào 300ml nước. Đun sôi đến khi còn 100ml và chia làm 3 phần uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa đau bụng, đau đầu: Sắc 5g ngô thù, 10g đảng sâm, 10g đại táo và 20g sinh khương. Sắc uống khi còn ấm.
  • Bài thuốc chữa đau do hàn khí: Sắc các vị thuốc sau: 6g thù du, 10g bình lang và 10g mộc qua. Uống khi còn ấm.
  • Bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa: Nghiền thành bột 1g hoàng liên, 2g ngô thù và 2g một hương. Sau đó trộn đều lại với nhau và chia thành 3 phần, pha cùng nước sôi uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa đau quặn bụng: Sắc lấy 4g dược liệu ngô thù, 5g mộc hương, 10g xuyên luyện tử và 3g tiểu hồi. Sắc uống khi còn ấm.

Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc Ngô thù du

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc Ngô thù mà người bệnh cần nhớ:

  • Ngô thù là vị thuốc có tính ôn, hơi có độc, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai, trẻ em và người có thể trạng yếu.
  • Không nên tự ý sử dụng dược liệu mà cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng.
  • Nếu sử dụng ngô thù quá liều có thể gây ra các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chảy máu cam, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt,...
  • Ngô thù có thể tương tác với một số loại thuốc khác, vì vậy cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Nhiều người thắc mắc liệu bệnh thận có được uống ngô thù du không thì câu trả lời là có nhé. Nhưng cần hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị trước nhé.

Trên đây là tổng hợp một số tác dụng và bài thuốc về Ngô thù du mà người đọc có thể tham khảo cùng với áp dụng. Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào, phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng, không được tự ý tăng liều dùng. Nếu thấy bài viết này hữu ích hãy chia sẻ để mọi người có thêm thông tin nhé.

Nguồn tham khảo:

  1. https://tracuuduoclieu.vn/ngo-thu-du.html
  2. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874120331135

||Tham khảo thêm:

Cập nhật lúc: 2024/02/15

Thông tin trên website duocthaiminh.vn chỉ mang tính chất tra cứu, tham khảo. Quý khách vui lòng không tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Dược phẩm Thái Minh sẽ không chịu trách nhiệm cho những trường hợp tự ý sử dụng thông tin này.