Thẩm định bởi:
Chuyên khoa: Dược lâm sàng, Công nghiệp dược
Thảo đậu khấu bắc được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để chữa đau dạ dày, trướng bụng, đờm thấp tích trệ, tiêu hoá không bình thường, nôn mửa,….
Thảo đậu khấu: Đặc điểm, công dụng & bài thuốc chữa
Cây thảo đậu khấu là gì?
- Tên tiếng Việt: Thảo khấu nhân, ngẫu tử, thảo đậu khấu
- Tên khoa học: Alpinia hainanensis K. Schum.
- Tên đồng nghĩa: Alpinia katsumadae Hayata
- Họ: Zingiberaceae (Gừng)
Đặc điểm cây
- Thảo đậu khấu là loại cỏ sống lâu năm cao từ 1 - 2m. Thân rễ màu nâu đỏ, lá mọc so le, hình mác dài từ 30 - 55cm, rộng 2 - 9cm.
- Cụm hoa hình chùm, dài khoảng 30cm, ở đầu cành.
- Hoa màu trắng, hình ống, dài khoảng 1.2cm, trong đó có đốm màu tím đỏ nhật.
- Quả thảo đậu khấu đường kính 3.5cm, khi chín có màu vàng.
Hình ảnh thảo đậu khấu
Phân bố, thu hái, chế biến
- Hiện thảo đậu khấu chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam, chỉ thấy khai thác ở Quảng Đông Trung Quốc, đảo Hải Nam.
- Vào các tháng 8 - 9, hái quả về phơi đến khi gần khô thì bóc vỏ rồi phơi cho thật khô, có khi hái về nhúng vào nước sôi, phơi gần khô, lấy ra bóc vỏ rồi phơi cho thật khô. Tại một vài nơi ở đảo Hải Nam, người ta còn hái về để đun hoặc đồ với nước sôi từ 2 - 3h, lấy ra bỏ vỏ rồi phơi khô. Làm như vậy hạt chắc, không rời nhau ra nhưng tinh dầu bị giảm bớt.
Chú thích: Ngoài vị thảo đậu khấu nói trên, tại Quảng Tây Trung Quốc người ta còn dùng với tên thảo khấu (quả cây sẹ - Alpinia globosa Horan). Tại Vân Nam, người ta thu mua quả cây Alpinia blepharocalyx K. Schum làm vị thảo khấu, quả cây Globba chinensis K. Schum làm vị tiểu thảo khấu.
Thành phần hóa học của thảo đậu khấu
Theo Wehmer, 1929., Die pflanzenstoffe Bd.: 182, thành phần của thảo đậu khấu có chứa khoảng 4% tinh dầu mùi long não cùng nhiều thành phần khác.
Công dụng và liều dùng thảo đậu khấu như thế nào?
Mỗi ngày chỉ nên dùng 3 - 6g thảo đậu khấu
Thảo đậu khấu hiện mới chỉ thấy sử dụng trong Đông y. Dược liệu có vị cay, chát, tính ôn, có tác dụng khù hàn táo thấp, ồn trung khai vị và giải độc. Nó thường được dùng để chữa dạ dày lạnh, đau, nôn ra nước chua, nôn mửa, tả lỵ, có tác dụng chữa say rượu, giải độc cá độc.
Thảo đậu khấu có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô. Hạt thảo đậu khấu tươi có thể được nhai trực tiếp hoặc pha trà uống. Hạt thảo đậu khấu sấy khô có thể được tán thành bột để sử dụng.
Liều dùng thảo đậu khấu khuyến cáo từ 3 - 6g.
Bài thuốc dân gian sử dụng vị thuốc thảo đậu khấu
Thảo đậu khấu - Dược liệu được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y
Trị phong hàn, bụng đau, tiêu chảy
- Dược liệu: Bạch khấu nhân, bạch truật, cao lương khương, đương quy, đinh hương, mộc hương, nhục đậu khấu, thảo đậu khấu, quan quế, trần bì mỗi loại 20g.
- Đem tất cả các dược liệu trên tán bột. Ngày dùng 8g với nước sắc đại táo và sinh khương.
Trị răng đau
- Dược liệu: Hoàng liên 10g, quy thân 2.4g; phòng phong 0.8g; tế tân (lá) 0.8g; thăng ma 2g, thảo đậu khấu 4.8g, thục địa 2g, xương ống chân dê (đốt thành tro) 2g.
- Đem tất cả các dược liệu trên tán thành bột, dùng để bôi xát lên chỗ đau.
Trị tỳ vị khí hư, nôn nửa, sắc da nhợt nhạt
- Dược liệu: Bạch truật, bạch linh, phụ tử, tiền hồ, cao lương khương mỗi loại 30g; bán hạ, mộc hương mỗi loại 16g; cam thảo 10g, thảo đậu khấu, hậu phác 60g; nhân sâm, nhục quế, trần bì mỗi loại 22g
- Đem tất cả các dược liệu trên tán bột, mỗi lần dùng 10g, thêm 4g gừng, 3 quả táo rồi sắc uống.
Dạ dày thượng vị, chân tay mỏi
- Dược liệu: Bạch truật, chỉ thực, thảo đậu khấu mỗi loại 30g; bán hạ, hoàng cầm, mạch nghiệt, thần khúc mỗi loại 16g; quất bì, sinh khương, thanh bì mỗi loại 6g; muối sao 1.6g.
- Đem tất cả các dược liệu trên tán thành bột trộn làm hoàn. Ngày dùng 12 - 16g.
Lưu ý khi sử dụng dược liệu thảo đậu khấu
Dù có tác dụng tốt, nhưng khi sử dụng dược liệu thảo đậu khấu người dùng cần lưu ý một số điều sau:
Lưu ý khi sử dụng thảo đậu khấu chữa
- Liều lượng thông thường của thảo đậu khấu là 3-6g mỗi ngày. Không nên sử dụng thảo đậu khấu quá liều vì có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng da.
- Nên sử dụng thảo đậu khấu dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc viên nang.
- Phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng
- Người có bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên sử dụng.
- Người đang sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp.
- Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy ngừng sử dụng thảo đậu khấu và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Thảo đậu khấu có thể tương tác với một số loại thuốc tây y như thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp.
Trên đây là những thông tin về dược liệu thảo đậu khấu và bài thuốc dân gian chữa. Tuy nhiên, trước khi sử dụng người dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh gặp phải tác dụng phụ.
>> Xem thêm:
Cập nhật lúc: 2024/06/29